Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Dự thảo Luật được bố cục gồm 4 chương, 65 điều; về cơ bản kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Phạm vi điều chỉnh tập trung vào việc quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền...
Nhiều ý kiến bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế. Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi sẽ góp phần khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt...
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo Luật với các luật có liên quan, như tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng hoặc thông qua thuê tổ chức khác hay bên thứ ba... tại Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, có một thực tế cần cân nhắc là tiền ảo chưa được công nhận tại Việt Nam nhưng vẫn có nhiều người sử dụng. Do đó, cần có quy định phù hợp về vấn đề này và nghiên cứu chế tài để xử lý: “Khi pháp luật chưa công nhận thì phải có cách xử lý thế nào cho phù hợp, nên giao cho Chính phủ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Ngọc Dũng, Thu Hiền, Thảo Hiền
Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) quan tâm tới vấn đề về ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền quy định tại Điều 24. Theo đó, đối tượng báo cáo là doanh nghiệp siêu nhỏ, cá nhân phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền có nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g khoản 1 Điều này. Đại biểu phân tích, với loại hình doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ vẫn phải thực hiện 6/10 nội dung về ban hành quy định nội bộ. Như vậy, tính hình thức của quy định này khá cao, không cần thiết, không hiệu quả, tốn kém chi phí xã hội. Do đó, nên giao Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản mẫu để mang tính chất tham khảo cho các doanh nghiệp sẽ phù hợp và khả thi hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định một số dấu hiệu đáng ngờ cơ bản như: Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn bất thường, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường; khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn; thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không đầy đủ, không chính xác… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc quy định dấu hiệu đáng ngờ trong một số ngành, lĩnh vực như vậy là vẫn mang tính định tính, khó xác định. Do đó, cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng, tránh chung chung để đảm bảo tính thống nhất với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.
Ngọc Dũng, Thảo Hiền, Thu Hiền