- Nhiều dự án chung cư được chủ đầu tư bàn giao trước Tết Nguyên đán đã khiến thợ sửa nhà được dịp “hét giá” lên trời.
Thợ mải chạy xô, chủ nhà sốt vó
Hàng loạt các dự án chung cư được chủ đầu tư hoàn tất và bàn giao cho khách trước Tết nguyên đán 2015 đã khiến thị trường lao động cuối năm được “hâm nóng”. Nắm bắt được tâm lý, ai cũng muốn đón Tết trong căn nhà mới, thợ sửa nhà được dịp “làm cao” khiến không ít người đi tìm thợ phải lo lắng.
"Bắt" được tâm lý chủ nhà muốn về nhà mới trước Tết, thợ sửa nhà được dịp nâng giá. |
Nhận căn nhà hơn 90m2 được chủ đầu tư bàn giao sau 5 năm trời trông đợi, anh Nguyễn Hoàng (quê Nghệ An, đang làm việc tại Hà Nội) chưa hết mừng đã phải lo sốt vó vì… chuyện tìm thợ.
Xác định đây là chỗ “an cư” lâu dài của vợ chồng, anh Hoàng muốn tu sửa thật đẹp đẽ, khang trang như mong muốn. Từ việc gia cố cửa sắt, lan can, ốp trần thạch cao, lát sàn nhà, tủ bếp…, anh chị đã lên kế hoạch hàng năm trước đó.
Tuy nhiên, trớ trêu, thời điểm nhận nhà chỉ cách Tết nguyên đán vài tuần lễ, việc tìm được thợ, nhất là thợ giỏi, không phải dễ dàng gì.
“Mình cũng đã liên hệ với một nhóm thợ sửa chữa, thiết kế trang trí nội thất khá chuyên nghiệp từ nửa năm trước. Hồ sơ thiết kế nội thất họ đã hoàn tất, bây giờ chỉ việc thi công. Nhưng cận Tết, họ nhận cùng một lúc cả chục công trình, thế nên họ không tập trung được đủ người để làm công trình cho gia đình mình được. Thay vì làm ngày, họ đến thi công cả đêm” – anh Hoàng kể chuyện.
Tính nhanh, để hoàn thiện nội thất căn chung cư đúng như mong muốn, anh Hoàng phải mượn ít nhất 5 thợ: thợ điện nước lắp đặt vòi hoa sen, bệ rửa, bồn tắm…; thợ cơ khí làm cửa sắt, rào lưới ban công; thợ điện để lắp đặt điều hòa, máy giặt; thợ sơn, ốp trần thạch cao; thợ mộc để đóng tủ bếp, đồ gỗ nội thất…
“Cứ được ông thợ này rảnh thì ông thợ kia lại vướng. Mình thiết kế lại phòng khách rộng rãi, phong thủy, phá vách ngăn tường xây để lắp thành vách ngăn bằng kính nhằm lấy sáng cho ngôi nhà. Theo tiến trình, ai cũng biết, việc làm trần, lát sàn, ốp tường, sơn tường… hoàn tất trước rồi mới lắp đặt các thiết bị điện nước, thế nhưng, thợ nề mải “chạy sô”, kế hoạch của hai vợ chồng phải đảo lộn hết. Bây giờ, cứ thợ nào rảnh là tranh thủ thi công hạng mục ấy, cốt để kịp về nhà mới lấy ngày, và để cho vợ con kịp trang hoàng, mua sắm chuẩn bị đón Tết. Cuối năm, đã bận lại hàng trăm thứ việc đổ lên đầu” – anh Hoàng than phiền.
Anh Hoàng làm ở vị trí kinh doanh của một công ty sản xuất đồ nhựa. Cuối năm, lĩnh vực nào cũng tất bật, lại bị giao thêm chỉ tiêu bán hàng dịp Tết, đồng thời, đây cũng là thời điểm… kiếm cái Tết tươm tất cho vợ con. Tuy nhiên, vì lo sửa nhà, anh phải xin nghỉ một tuần lễ.
Chung hoàn cảnh như anh Hoàng, anh Nguyễn Đức Mạnh, nhân viên một ngân hàng, nửa tháng nay cũng bươn bả không kém.
“Công việc cơ quan không thể nghỉ được, lượng khách hàng cuối năm giao dịch lại đông gấp mấy lần, nên buổi trưa giờ nghỉ, tôi phải tranh thủ qua nhà để kiểm tra thợ”.
Điểm gia dịch anh Mạnh làm việc ở quận trung tâm, cách căn hộ vừa nhận gần hai chục km, duy trì được một tuần, anh Mạnh không chịu nổi.
“Hôm qua, tôi phải về quê “rước” ông cụ lên trông coi giúp. Ông cụ lên không biết đường biết lối, không biết mua vật tư, thiết bị chỗ nào… nên tôi khoán hết cho thợ. Thôi thì, muốn về nhà mới trước Tết đành phải cố” – chuyện của anh Mạnh.
Về quê tuyển thợ, “cai” mùa Tết kiếm bộn tiền!
Bức tranh cuối năm vốn dĩ đã sôi động, tất bật lại càng trở nên vội vàng: lĩnh vực nào, ngành nghề nào… dường như cũng “cố” hoàn tất sớm để có thời gian cho cái Tết thư thả. Với những “cai” xây dựng dịp cuối năm, đây lại là thời điểm kiếm tiền dễ nhất.
Anh Hoàng Văn Đức (quê Thái Bình) ngoài 30 tuổi đời, nhưng đã có thâm niên làm “cai” gần chục năm. Ban đầu, xuất phát điểm cũng chỉ là đi phu hồ cho nhóm thợ xây ở quê lên Hà Nội xây dựng công trình dân sinh, dần dần, Đức thành thợ chính, sau đó, anh tách ra nhận công trình riêng, về quê “tuyển quân” lên Hà Nội xây thuê.
Nhiều dự án bán giao nhà thời điểm trước Tết âm lịch đã khiến không ít khách hàng "vã mồ hôi" để đi tìm thợ. |
Được vài năm, khi đã có vốn liếng, Đức mở dịch vụ vận chuyển, sửa chữa, trang trí nội thất. Hiện, anh đang điều hành nhóm thợ hơn 30 người, nhưng cuối năm vẫn làm không hết việc.
“Cuối năm, nhiều nhất là việc sửa nhà, chuyển nhà mới, thiết kế lắp đặt cho khách về nhà mới, nhất là chung cư. Một công trình như thế, nếu làm tập trung trong vòng một tuần lễ là hoàn tất, nhưng không thể “dồn hết quân” vào một nhà được, vì như thế sẽ chẳng được bao nhiêu”.
Thay vì việc thi công cuốn chiếu, nhóm thợ của Đức sử dụng hình thức “dàn hàng ngang”: nhận cùng một lúc cả chục công trình, sau đó làm so le, chia tốp thợ, làm cả ca ba để… chạy tiến độ.
“Ví dụ như 5- 6 khách hàng cùng sửa chữa, lắp đặt nội thất, chúng tôi sẽ chia tốp thợ sơn, vách trần… thi công trước. Khi khô sơn thì đến nhóm điện nước, ốp sàn…, cứ thế so le nhau. Tuy bận rộn, vất vả nhưng đồng công cũng cao hơn”.
Một thợ lành nghề, công trình nhận vào ngày thường, Đức trả công 200 ngàn đồng/thợ/ngày. Dịp cuối năm, mức công này tăng lên từ 350 – 400 ngàn/thợ/ngày.
“Chủ nhà muốn kịp về nhà mới, thợ muốn làm được nhiều công trình để có món tiền tiêu Tết mang về quê cho vợ con… nên thành ra, mỗi bên phải cố một tý” – cai tên Đức nói.
Theo anh Đức, thời điểm cuối năm, giá cả, chi phí… đều tăng hơn so với thời điểm ngày thường ở mức 1,5 – 2 lần.
“Giá cả vật tư hầu hết đã được niêm yết giá hết rồi. Những thiết bị cao cấp, thông thường chủ nhà sẽ tự tay đi chọn, bên bán mang đến tận nơi. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm thi công. Nếu như chủ nhà nào thuê trọn gói, chúng tôi cũng đáp ứng được, thường thì sẽ có lãi hơn vì được hưởng lợi ở giá chênh lệch. Chúng tôi chỉ kiếm được do ngày công lao động cao hơn ở dịp cuối năm” - anh Đức nói.
Thái Bình