Không ngừng chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững trong bối cảnh mới, những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể dưới nhiều hình thức mà nòng cốt là HTX, tổ hợp tác (THT). Đồng thời tạo điều kiện cho các HTX, THT mở rộng ngành nghề, ổn định đầu ra. 

Việc nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở mỗi ngành nghề phù hợp với điều kiện của từng địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên của các HTX, THT nhất là lao động vùng nông thôn. Qua đó càng khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế xã hội.

anh bai 10.jpg
 HTX Đức Lân đưa cơ giới hóa vào thu hoạch

Thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg về Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung nâng cao nội lực, sức cạnh tranh cho các HTX điểm thông qua các hoạt động như: tập huấn kiến thức về quản trị kinh doanh dịch vụ, thương mại, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ thành viên HTX. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm của HTX thí điểm; kết nối vào hệ thống phân phối, tạo lập chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng.

Là một trong những HTX tiêu biểu kiểu mới có sự liên kết theo chuỗi giá trị với sản phẩm chủ lực là khoai tây, HTX cổ phần thương mại Tấn Phát ở xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh luôn duy trì đầu ra cho vùng trồng khoai tây có tổng diện tích lên tới gần 50ha. Tất cả các sản phẩm đều được cung cấp cho 1 nhà máy của Hàn Quốc đóng tại khu công nghiệp Yên Phong.

Nhờ sự linh hoạt trong khâu tổ chức, đồng thời áp dụng tiến bộ KHKT vào khâu sản xuất, kết nối thị trường, cây khoai tây của HTX không chỉ được nâng cao giá trị khi đi ra thị trường mà còn giúp đơn vị này xây dựng được chỗ đứng vững chắc hơn. Qua đó, không chỉ phát huy hiệu quả các diện tích đất manh mún mà cách làm này còn đem lại nguồn thu nhập cho người dân cao hơn rất nhiều so với trước kia.

 Ông Nguyễn Văn Sang - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho hay: “Tại Yên Phong, mô hình HTX hiện nay liên kết với các doanh nghiệp, các công ty để bao tiêu tất các sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân. Đặc biệt tất cả những diện tích manh mún trước đây của bà con, chúng tôi sẽ mượn lại và thuê  bà con làm theo quy cách mới và đảm bảo thu mua tất cả các sản phẩm đầu ra cho bà con.. Cách làm này đã đem lại hiệu quả nhiều năm nay và Yên Phong trở thành địa phương sản xuất cây khoai tây có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập rất lớn cho bà con nông dân”.

 Còn tại HTX Nông nghiệp Đức Lân, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, với sự nỗ lực nhiều mặt của chính quyền các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ trực tiếp từ Liên minh HTX tỉnh, vài năm gần đây, các thành viên của HTX này đã hình thành được vùng trồng lúa nếp hàng hóa theo tiêu chuẩn Viet GAP và được tỉnh Bắc Ninh chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. 

Trên những cánh đồng của HTX, việc ứng dụng KHKT, đưa cơ giới hóa vào toàn bộ quy trình sản xuất  lúa gạo từ gieo mạ, bón phân, phun thuốc, tưới nước, đóng bao sản phẩm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với hình thức nhỏ lẻ manh mún như trước kia. Với cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, cách thức tổ chức sản xuất linh hoạt, hiệu quả,  HTX nông nghiệp Đức Lân là một trong những ví dụ điển hình trong phát triển kinh tế tập thể bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Tiền thân là HTX dịch vụ nông nghiệp, năm 2013 Đức Lân chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Kể từ đó đến nay các thành viên của HTX này đều có mức thu nhập trung bình từ 75 triệu đến 80 triệu đồng/người/năm, chất lượng hoạt động của HTX ngày càng được nâng lên. Điều này có được bởi ngoài sự nhiệt tình và tin tưởng từ phía các thành viên thì việc chủ động tìm kiếm thị trường của người đứng đầu HTX này cũng là yếu tố quyết định thành công của HTX.

Ông Phạm Minh Hiền - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh cho biết: Nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả hoặc xây dựng theo chuỗi giá trị sản phẩm là một trong những nội dung được triển khai trong nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Tới đây, các mô hình HTX kiểu mới được nhân rộng, Liên minh HTX sẽ tham mưu cho tỉnh có sơ kết đánh giá, trên cơ sở đó sẽ đề xuất với tỉnh có những mô hình tiếp theo để các HTX điểm không những chỉ hoạt động 1 lĩnh vực mà phải đa lĩnh vực, đa ngành nghề, phù hợp với điều kiện của tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

 Mai Anh