Một trong những khoảnh khắc khiến tôi “đau khổ” nhất vào năm ngoái là khi ngồi lướt Facebook trong lớp và đứa bạn ngồi cạnh nhìn thấy quảng cáo thuốc Đông Y trị bệnh... trĩ. Các bạn dùng web thường biết quảng cáo sẽ nhắm vào mối quan tâm của người dùng, và bởi vậy, suốt từ đó tới nay, tôi vẫn thường bị lũ bạn trêu là bị trĩ thật nên mới tìm kiếm và rồi “bị” nhận quảng cáo tương ứng.
Vấn đề là ở chỗ tôi không hề... bị trĩ. Vâng, là sinh viên công nghệ nhưng tôi vẫn tập thể thao đều đặn, vẫn ăn khá nhiều rau xanh... Quả thật là quá bực mình khi bỗng dưng bị gán cho một biệt hiệu vớ vẩn vì một mẩu quảng cáo chẳng hề liên quan một chút nào hết.
May mắn là đến nay thì đứa nào trong hội cũng đều bị Facebook gán bệnh cả. Trĩ còn chưa sao, có đứa còn bị dính quảng cáo thuốc chữa... liệt dương.
Tôi tin rằng bạn đọc cũng giống như tôi và các bạn của mình: mỗi người chúng ta có lẽ đã “mắc” phải những mẩu quảng cáo rất giời ơi đất hỡi của Facebook không chỉ một lần. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm nguyên nhân và cách khắc phục.
Facebook tìm mục tiêu quảng cáo ra sao?
Trước hết, hãy nhắc lại quan niệm rằng người dùng quan tâm đến cái gì thì Facebook (hay Google hoặc các nhà quảng cáo khác) sẽ hiện ad cho thứ đó. Quan niệm này hiển nhiên vẫn đúng, nhưng vấn đề lớn nhất là, Google và Facebook dùng cái gì để tìm mối “quan tâm” của chúng ta.
Câu trả lời là rất nhiều thứ. Các lượt tìm kiếm Google, các câu status Facebook, các câu chat, bình luận, các bức ảnh, các địa điểm check-in v...v... đều có thể là nguồn thông tin để xây dựng “hình ảnh” về người dùng.
Nhưng chân dung của chúng ta không chỉ dừng lại tại đây. Để biết tại sao bạn lại nhận được một mẩu quảng cáo nào đó, hãy click chuột (hoặc nhấn lên nút tương ứng trong app di động) và chọn “Vì sao tôi lại thấy quảng cáo này” (Why am I seeing this ad?).
Ở đây bạn sẽ bất ngờ khi thấy có những lý do rất đáng để bực mình. Ví dụ, các mẩu quảng cáo thuốc nam mà tôi từng thấy thường đến từ lý do là vì tôi ở Hà Nội và tuổi trên 20. Đây đều là những thông tin quá rộng và chẳng nói điều gì về tôi cả.
Nắn lại cách hiểu
Ngay trên màn hình phía trên, bạn có thể click vào đường link phía dưới (hoặc truy cập thẳng vào trang tùy chọn của Facebook) để chỉnh sửa lại sở thích quảng cáo của mình. Tại đây, bạn có thể chọn lựa các chủ đề quan tâm trên các lĩnh vực như Tin tức giải trí hoặc Công nghệ. Hãy loại bỏ tất cả các từ khóa bạn không quan tâm.
Tab “các danh mục của bạn” cũng có thể giúp ích khá nhiều. Ở đây, Facebook tự đưa ra các nhóm người dùng và sẽ xếp bạn vào các nhóm đó. Ví dụ, tôi di chuyển khá nhiều nhưng không muốn nhận quảng cáo về các lĩnh vực du lịch nên đã bỏ hết các thẻ liên quan, chỉ để lại thẻ về thiết bị của mình.
Một mục khác bạn có thể quan tâm là các thông tin căn bản về bạn: tình trạng quan hệ, nơi làm việc, vị trí và bằng cấp. Theo tôi, bỏ mục “tình trạng quan hệ” sẽ giúp ích khá nhiều.
Song, tất cả các mục này đều không quan trọng bằng việc “thả thính” cho Facebook.
Hãy tương tác với quảng cáo
Làm cách nào? Trước hết, hãy nhớ rằng mục tiêu lớn nhất của quảng cáo là bán được hàng, do đó bạn hãy dành ít phút lên các trang mua hàng và tìm món hàng bạn mong muốn. Nếu bạn chưa mua, chắc chắn quảng cáo của các món hàng này sẽ còn xuất hiện trên Facebook/Google của bạn dài dài.
Tiếp đó, đôi lúc hãy tương tác với các nhãn hàng phù hợp với sở thích của bạn bằng cách Like hoặc comment trên bài viết quảng cáo. Bạn không cần mua hàng, chỉ cần ra tín hiệu cho Facebook rằng bạn có quan tâm đến các chủ đề này mà thôi.
Hiển nhiên, bạn cũng cần chủ động ẩn các quảng cáo không phù hợp. Click hoặc chạm vào dấu ... cạnh mỗi bài viết và chọn Hide Ad ("Ẩn quảng cáo"). Tiếp đó, trong màn hình xuất hiện tiếp theo, hãy chọn mục “It’s not relevant to me” (“Không liên quan tới tôi”).
Đừng chấp nhận một News Feed “bẩn”
Tránh quảng cáo Facebook sẽ là gần như không thể, bởi dù có dùng phần mềm adblock thì một ngày nào đó Facebook chỉ cần thay đổi mã CSS là xong. Tôi cũng không muốn là kẻ dùng chùa miễn phí, bởi vậy, tôi tin rằng mỗi chúng ta nên tìm cách để nhận được các mẩu quảng cáo văn minh hơn.
Và như vậy, tôi đã bắt tay vào dọn dẹp quảng cáo trên News Feed của mình. Mỗi lần click chỉ mất vài giây mà thôi, nhưng đến giờ tôi đã thực sự nhận được thứ mình mong muốn: một News Feed sạch sẽ. Bạn thì sao?
Theo GenK