Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, 10 tháng năm 2019, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt gần 6,7 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng khai thác đạt 3,16 triệu tấn, tăng 4,4%; nuôi trồng đạt 3,54 triệu tấn, tăng 6,2%.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,06 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số đó, tôm nước lợ có kim ngạch xuất khẩu đạt 2,76 tỷ USD; cá tra kim ngạch xuất khẩu đạt 1,66 tỷ USD.

Đáng chú ý, mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2019 được sẽ là 9 tỷ USD thay cho mục tiêu 10 tỷ USD đề ra từ đầu năm.

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong 10 tháng đầu năm đạt sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt đtạ 6,7 triệu tấn, năm nay dự kiến 8,1 triệu tấn. Mục tiêu chắc chắn sẽ đạt được.

{keywords}
Xuất khẩu thủy sản năm 2019 đặt mục tiêu 9 tỷ USD

Còn về chuyện xuất khẩu thủy sản sụt giảm đang có sự sút giảm, theo ông Tiến, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế thế giới suy giảm nên nhu cầu giảm, chưa kể nhiều quốc gia đã chủ động khai thác nuôi trồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân, thừa nhận, lượng thủy sản xuất khẩu vẫn tăng, nhưng giá xuất khẩu lại giảm. Trong đó, những tháng đầu năm cả hai mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản là tôm và cá tra thì giá đều giảm. Thậm chí, có thị trường giá tôm còn giảm 1 USD/kg.

Theo ông Luân, với tôm, Việt Nam được mùa, các nước xuất khẩu tôm khác cũng được mùa nên giá giảm. Song, nửa cuối năm nay, đặc biệt từ tháng 9 trở lại đây, giá tôm đã tăng trở lại.

Tương tự, năm 2017-2018, giá cá tra tăng lên 27.000-28.000 đồng/kg, thậm chí giá lên tới trên 30.000 đồng/kg dẫn tới diện tích nuôi tăng nóng, khiến giá cá giảm.

Thực tế, ngay cả thời điểm giá cá tra bị giảm xuống thấp, hộ nào nằm trong chuỗi liên kết, bán vẫn lãi 1.500-2.000 đồng/kg. Năm trước, có hộ ở thời điểm giá cá tra tăng đã tự phá hợp đồng với doanh nghiệp, bán cá ra ngoài. Khi năm nay giá cá xuống, hộ nuôi cá muốn quay lại bán cho doanh nghiệp, có doanh nghiệp chấp thuận và có doanh nghiệp không.

"Trong tái cơ cấu ngành đã chỉ đạo rất rõ tổ chức liên kết, gắn kết từ con giống, sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Chỗ này chỗ kia người dân không tham gia vào liên kết, không bán được mới có tình trạng bán giá dưới giá thành", ông Trần Đình Luân phân tích.

Hiện nay, giá tôm nguyên liệu loại 1 (cỡ 100 con) tại ĐBSCL giá khoảng 95.000 đồng/kg; miền Trung và phía Bắc khoảng 100.000 đồng/kg. Còn giá nguyên liệu dao động ở mức 20.000-22.000 đồng/kg.

Với mức giá cá tra như hiện tại, các hộ tham gia chuỗi liên kết đảm bảo có lãi 1.000-2.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, thời điểm này Ấn Độ và các nước nuôi tôm đã hết vụ sản xuất tôm chính, trong khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản tăng, các thị trường trọng điểm như: EU, Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc, có nhu cầu tăng vào cuối năm nên giá tôm, cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL hiện đã tăng trở lại do các nhà máy chế biến tăng mua.

Bên cạnh đó, tác động của các hiệp định tự do thương mại sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh; đặc biệt là việc Mỹ công nhận tương đương với cá tra Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu. 

Dự báo sản lượng tôm và các tra đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu (cá tra còn khoảng 500.000 tấn; tôm sú ước khoảng hơn 100 nghìn tấn; tôm thẻ chân trắng khoảng trên 180 nghìn tấn). Tuy nhiên, dự báo giá tôm, giá cá tra xuất khẩu sẽ khó tăng.

Mời độc giả xem clip tự tạo từ bài viết:

Bảo Phương