Bệnh nhân là ông L.C.T, nhập viện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong tình trạng các ngón chân đều bị tím. Con trai ông cho biết một tháng nay ông có hiện tượng đau chân âm ỉ, đến khi đau không đi được nữa thì nhập viện. Bệnh nhân này còn có thói quen hút thuốc từ trẻ, đến nay đã hàng chục năm, hiện hút khá nhiều cả thuốc lá và thuốc lào.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Anh Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay cơn đau của ông T. tăng dần từ 3 ngày trước khi vào viện. Sau khám lâm sàng, bác sĩ nhận định bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu chi bán cấp tính khá rõ ràng.
Kết quả thăm dò tim mạch, hô hấp, xét nghiệm máu và chụp mạch cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn phần chậu, đùi, cẳng chân… Sau khi siêu âm, thầy thuốc nghi ngờ đây là một huyết khối mới, lập tức hội chẩn. Quyết định mổ cấp cứu với sự phối hợp của ê-kíp can thiệp tim mạch và ngoại khoa được đưa ra để cứu đôi chân của ông T.
Ca bệnh được bác sĩ sử dụng phương pháp Hybrid, còn được gọi là "phương pháp lai" bởi có sự phối hợp đặc biệt giữa 2 ê-kíp can thiệp và phẫu thuật. Hybrid là xu hướng chung của y học thế giới hiện đại, phối hợp được ưu điểm của phẫu thuật và can thiệp nội mạch.
Sau khi mổ thông mạch, nhờ Hybrid, các bác sĩ can thiệp sẽ chụp và bơm lên hiện hình cây mạch ngay trong phẫu thuật. Từ đó có thể tìm được vị trí tắc rồi tiến hành nong động mạch, xử lý luôn những vị trí hẹp mà dụng cụ sẽ khó tác động, sau đó đặt stent cho hiệu quả tối đa.
"Sau 3 ngày, bệnh nhân chuyển biến tốt, tiên lượng có thể giữ lại được chân. Hiện tại sau can thiệp, phẫu thuật, người bệnh có thể ngồi dậy, nói chuyện với mọi người xung quanh", bác sĩ Huy cho biết.
Kỹ thuật Hybrid có thể áp dụng được cho nhiều vị trí tổn thương một lúc, cho phép xử lý các thương tổn mạch máu một cách triệt để dù khó và phức tạp, nếu chỉ phẫu thuật hoặc can thiệp truyền thống sẽ khó đạt được hiệu quả tối ưu cho người bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả phục hồi lưu thông mạch máu của Hybrid có tỷ lệ biến chứng thấp hơn phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện.
Hội chứng thiếu máu chi bán cấp tính mà ông T. gặp phải là dạng trung gian giữa 2 hội chứng thiếu máu chi cấp tính và mạn tính.
Nguyên nhân gây ra hội chứng chi cấp tính chủ yếu là tắc động mạch hoặc nghẽn động mạch (từ dị vật, máu cục...). Do đó, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng cấp tính như cơn đột quỵ; tê bì, lạnh và mất cảm giác ở phía ngọn chi; màu sắc da nhợt nhạt và sờ bên ngoài thấy lạnh; rối loạn cảm giác, rối loạn vận động; phù nề và đau bắp cơ (thường xuất hiện khi bước vào giai đoạn thiếu máu không hồi phục).
Nếu giai đoạn thiếu máu trên 24 giờ, bệnh nhân có biểu hiện phỏng nước, chi tím đen, cứng khớp, thậm chí có khả năng hoại tử chi.
Khi bị thiếu máu mãn tính chi dưới, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tái đi tái lại (cảm giác tương tự như bị chuột rút, hoặc bị cắn, có kìm kẹp vào chi...) bắt buộc phải dừng vận động. Các dấu hiệu này sẽ tự biến mất sau khi nghỉ ngơi.
Vị trí đau phổ biến nhất là vùng bắp chân, có thể xảy ra ở mông, đùi. Tùy mức độ thiếu máu mà thời gian đau có thể khác nhau. Khi tình trạng thiếu máu càng nghiêm trọng, quãng đường đi được càng ngắn và càng phải nghỉ ngơi nhiều hơn.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh phải được quản lý tốt bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, đặc biệt tránh xa thuốc lá, nếu đã hút thì nên bỏ ngay hôm nay. Người từ 60 tuổi trở lên dễ có nguy cơ mắc các bệnh lý xơ vữa, vì thế cần khám sức khỏe định kỳ đều đặn.
Bên cạnh đó, việc tập luyện thể thao nhiều với cường độ cao chưa hẳn tốt, cần có những bài tập theo tư vấn của bác sĩ, phù hợp với từng thể trạng.