Thị trường sôi động

Thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đến nay đã có 16 công ty tài chính cùng hàng chục ngân hàng có dịch vụ cho vay tiêu dùng. Dù vậy, đây mới chỉ là khởi đầu của 1 lĩnh vực tiềm năng. Quy mô thị trường ước tính đạt 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD) nhưng sẽ còn mở rộng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của NH trong nước, các tập đoàn nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mở rộng nhanh chóng và lãi lớn như FE Credit, Home Credit, SHBFC...

Mới tham gia thị trường nhưng 2019, Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC) chứng kiến tổng tài sản tăng 2,75 lần so với 2018 lên 3.300 tỷ đồng; dư nợ đạt 2.700 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần. Lợi nhuận đạt gần 107 tỷ đồng. Lượng khách hàng tiếp cận đạt trên 460.000 người.

Có thêm nguồn lực từ công ty tài chính, các ngân hàng cũng gia tăng thêm hiệu quả kinh doanh. Năm 2019, SHB đã đạt lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng, mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC trước thời hạn. Trước đó, thị trường cũng ghi nhân trường hợp FE Credit đóng góp tới hơn 40% lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Ngân hàng VPBank.

Cho vay tiêu dùng là một dịch vụ không mới trên thế giới và đang là hướng đi mới của nhiều ngân hàng Việt Nam. Chuyên gia từ NHNN cho biết, tiềm năng thị trường này vẫn còn lớn nhờ xu hướng cho vay tiêu dùng là tất yếu trên thế giới và mới chỉ ở giai đoạn đầu tại Việt Nam. Tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11%, thấp hơn nhiều so với mức 40-50% ở các nước phát triển.

{keywords}
Tài chính tiêu dùng được xem là vùng đất tiềm năng và ông lớn tham vọng bước vào.

Sự phát triển mạnh của thị trường cho vay tiêu dùng cũng được đánh giá là một tín hiệu tốt trên thị trường tài chính, nhất là tài chính vi mô, tài chính cá nhân. Hoạt động cho vay tiêu dùng vừa qua tại Việt Nam giúp đáp ứng nhu cầu vốn nhỏ, giúp những người không đủ điều kiện có thể tiếp vốn chính thức, thay vì vay nặng lãi trên thị trường tín dụng đen như trong nhiều năm trước.

Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính và công ty tài chính thuộc ngân hàng giúp thị trường phát triển mạnh và giúp lãi suất cho vay được trở nên cạnh tranh hơn, có lợi hơn cho người vay.

Bên cạnh đó, tài chính tiêu dùng còn thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, chi tiêu không tiền mặt, đồng thời giúp xây dựng và dần minh bạch hóa thông tin tài chính cá nhân.

Vốn ngoại chọn mặt nhà đầu tư

Thống kê của NHNN cho thấy, những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Đây là con số rất thấp ở một thị trường 100 triệu dân đang phát triển, cơ cấu trẻ và nhu câu tiêu dùng cao. Chính vì thế, rất nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài đang đầu tư lớn vào các công ty tài chính tiêu dùng Việt trong.

Mới đây, SHBFC đã đề xuất ngân hàng mẹ SHB thông qua ĐHĐCĐ về việc thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài. Đây là động thái gây chú ý của toàn thị trường bởi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp SHBFC tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại và chuyên nghiệp... để hiện thưc tham vọng top đầu trên thị trường. Đặc biệt, việc thoái vốn sẽ mang về cho SHB 1 khoản lãi lớn và giúp định chế này củng cố hệ sinh thái của mình.

{keywords}
Tài chính tiêu dùng kích thích thị trường tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh hơn.

Thực tế, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác để phát triển SHBFC đang có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do Ngân hàng SHB sở hữu 100% vốn. Trước thời điểm sáp nhập, SHBFC tiền thân là công ty tài chính khá vững là Vinaconex - Vietel. Sau đó, do yêu cầu tái cơ cấu hệ thống tài chính, công ty này đã lựa chọn SHB là đối tác chính trong việc sáp nhập.

Ngay từ đầu năm 2020, Hội đồng Quản trị SHB đã làm việc với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới để tái cấu trúc quản trị ngân hàng cũng như định vị chiến lược ngân hàng khác biệt và bền vững trong trung và dài hạn, hiện đại hóa hướng tới ngân hàng số.

Không chỉ nhắm tới SHBFC, hàng loạt ông lớn nước ngoài đã tìm nhiều cách để tiếp cận thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam khi dư địa cấp phép đang hẹp dần.

Năm 2019 mới chỉ duy nhất một công ty tài chính được cấp phép mới. Đó là Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (100% vốn nước ngoài) mua lại 100% công ty Tài chính Prudential Vietnam sau khi đã thâu tóm mảng ngân hàng bán lẻ của ANZ Vietnam.

Năm 2019, Lotte Finance, một công ty con của Lotte Card đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam sau 6 tháng triển khai hoạt động kinh doanh. Năm 2017, Lotte Card vào Việt Nam và thâm nhập thị trường bằng thương vụ chi 1.700 tỉ đồng mua lại toàn bộ bộ phận tài chính tiêu dùng TechcomFinance của Techcombank.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, cho vay tiêu dùng đang là một hình thức phổ biến, phát triển tương đối rộng rãi và đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân. Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã chạm mốc 1 triệu tỷ đồng và dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh. Tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam được đánh giá còn rất lớn là nhờ quy mô dân số lớn, gần 100 triệu người, với dân số trẻ khá cao, trong khi hơn một nửa dân số hiện chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua ngân hàng.

Hơn thế, Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng trưởng mỗi năm. Với mật độ dân số trẻ cao và thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng để cải thiện cuộc sống của người dân từ đó cũng không ngừng tăng lên. Đây vẫn được xem là lĩnh vực hấp dẫn hàng đầu và là “gà đẻ trứng vàng” trong lĩnh vực tài chính nói chung.

H. Tú