"Gia đình Arnault và LVMH, trong nỗ lực đoàn kết sau thảm họa quốc gia, sẽ đóng góp vào tái thiết nhà thờ đặc biệt này. Đây là biểu tượng cho di sản và sự thống nhất của nước Pháp", trích thông cáo của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới và giàu nhất châu Âu.
Tỷ phú Bernard Arnault hiện giàu thứ 3 thế giới sau ông chủ Amazon Jeff Bezos và người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates. |
Hãng tin Mỹ Bloomberg đánh giá tài sản của Bernard Arnault đã tăng thêm gần 22 tỷ USD lên 90,4 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu của LVMH tăng vọt. Tập đoàn này hiện có vốn hóa lớn nhất Pháp, nắm trong tay khoảng 70 thương hiệu cao cấp, nổi bật là Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy và Hublot.
Gần đây, Bernard Arnault thăng hạng nhanh trong danh sách tỷ phú châu Âu, lần lượt vượt qua Amancio Ortega - ông chủ của Inditex, và Francoise Bettencourt Meyers – người thừa kế hãng L’Oreal. Chỉ trong năm 2017, Arnault đã bổ sung 30,5 tỷ USD vào tài sản của mình.
Bernard Arnault được đánh giá có tài năng kinh doanh thiên bẩm. Bản thân ông cũng tự nhận là người "được sinh ra để làm kinh doanh". "Trong suốt cả cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ làm thứ gì khác cả", ông nói.
Theo học bằng kỹ sư tại trường Ecole Polytechnique danh tiếng của Pháp, Bernard Arnault về làm việc cho công ty xây dựng của gia đình khi 25 tuổi. Năm 30 tuổi, ông làm chủ tịch công ty nhưng thời điểm đó, cả nhà Arnault phải di cư sang Mỹ vì một số thay đổi trên chính trường.
Bernard Arnault bên vợ con. |
Vài năm sau, gia đình ông trở về Pháp và mua lại Công ty dệt Boussac Saint-Freres – đơn vị sở hữu cổ phần tại nhà mốt cao cấp Christian Dior. Thương vụ hoàn tất, các nhà máy dệt và tài sản khác được tiếp tục rao bán, Arnault chỉ giữ lại Christian Dior và Le Bon Marche. Arnault trở thành CEO của Dior năm 1985.
Năm 1987, Arnault được Chủ tịch Henri Racamier của LVMH mời đầu tư vào LVMH Group mới được thành lập từ Louis Vuitton và Moet Hennessy. Trong khoảng thời gian 1989-1990, ông chứng tỏ quyết tâm không khoan nhượng sau hàng loạt những thương vụ nội bộ cho đến những tranh chấp tại tòa án.
Cuối cùng vào năm 1990, Arnault sở hữu 43,5% của LVMH, 35% quyền biểu quyết và chính thức trở thành Chủ tịch kiêm CEO của LVMH.
Quá trình giành quyền lãnh đạo LVMH của Bernard Arnault là một trong những vụ thâu tóm quyết liệt nhất trong lịch sử doanh nghiệp tại Pháp, khiến Arnault trở thành "nỗi sợ hãi của các đối thủ kinh doanh" và sau đó là "sự nể phục dành cho tính quyết đoán của ông".
Thanh Hảo