Ngày nay, các nhà sản xuất xe hơi đang dần cắt bỏ một số trang bị trên các mẫu ô tô mới, chẳng hạn như lốp dự phòng và gần đây là nắp bình xăng (nắp rời truyền thống).
Thay vì cần có nắp rời để vặn vào cổ bình, bịt kín bình, nhà sản xuất thiết kế bình xăng có nắp lò xo tự động đóng lại.
Ford là hãng xe tiên phong trong việc sử dụng bình xăng không nắp trở thành tiêu chuẩn trên xe SUV 7 chỗ Ford Explorer vào năm 2009. Sau đó, hãng tiếp tục đưa thiết kế này lên mẫu xe khác như F-150, Flex, Lincoln MKS.
Hiện nay, một số hãng xe tại Mỹ cũng đã bắt đầu loại bỏ nắp bình xăng truyền thống trên những mẫu xe mới ra mắt như General Motors với Chevrolet Blazer, Chevrolet Malibu, GMC Sierra, Cadillac Escalade hay Honda với Civic, CR-V Hybrid, Passport.
Vậy, việc bỏ nắp bình xăng truyền thông giúp ích gì cho người dùng xe?
Ưu điểm: Thao tác đổ xăng thuận tiện, nhanh gọn, sạch sẽ
Trước hết, các nhà sản xuất ô tô thấy rằng việc chuyển sang bình xăng không nắp rời truyền thống tiện lợi hơn cho người dùng.
Với bình xăng có nắp dạng lò xo tự động đóng lại, để đổ đầy, tài xế chỉ cần mở tấm che nắp bình xăng và lắp vòi bơm vào. Do không có nắp rời để phải tháo ra và lắp lại, các tài xế sẽ bớt được thao tác và thời gian đổ xăng.
Ngoài ra, theo MotoRad, bằng cách loại bỏ nắp bình xăng truyền thống, các nhà sản xuất ô tô có thể tạo ra lớp đệm, gioăng kín hơn bịt xung quanh hệ thống nhiên liệu, giảm khả năng rò rỉ khi đổ xăng.
Một lợi thế khác của xe không có nắp bình xăng truyền thống là kẻ trộm khó lấy cắp xăng hơn. Lý do là vì bình xăng thiết kế mới không có cơ chế van một chiều nên việc sử dụng ống để hút xăng ra khỏi xe trở nên gần như không thể.
Ngoài ra, một trong những lợi thế rõ ràng là tài xế không phải lo lắng về việc xăng dính vào tay khi tiếp nhiên liệu tại các cột bơm xăng, đồng thời, giúp giảm thiểu sự cố để quên nắp bình xăng ở trạm xăng hoặc trên nóc xe của những tài xế hay đãng trí.
Nhược điểm: Bụi bẩn dễ lọt vào khi bơm xăng
Mặc dù bình xăng không nắp truyền thống rất tiện lợi, nhưng nó cũng có một vài nhược điểm.
Chẳng hạn như khi cần hút nhiên liệu từ xe của mình trong trường hợp khẩn cấp, do cơ chế van một chiều, tài xế sẽ không thể làm điều này theo cách dùng ống hút thông thường. Tài xế phải dùng phễu chuyên dụng (do nhà sản xuất ô tô cung cấp). Khi đó, phễu để lại ở cốp xe sẽ vẫn mang thek mùi xăng vào xế cưng.
Một số tài xế thường xuyên lái xe trên đường đất phàn nàn rằng bụi tích tụ trên bình xăng và dễ rơi vào bình ngay khi họ lắp vòi bơm. Họ cũng có thể nhận thấy mùi xăng nồng hơn khi đổ xăng, có những trường hợp mùi xăng nồng có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!