Trong 108 thí sinh Hòa Bình và Sơn La được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, có 64 em (chiếm 59%) trúng tuyển vào trường công an, quân đội. Trong đó, có 53 thí sinh trúng tuyển vào các trường công an như Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Có 11 thí sinh trúng tuyển vào các học viện, trường sĩ quan trong quân đội.

Đến nay, những thí sinh này đã bị các trường công an, quân đội trả về địa phương, trừ trường hợp có một em được tiếp tục học ở Học viện Khoa học quân sự vì điểm chấm thẩm định đủ trúng tuyển và được Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) khẳng định "chưa có căn cứ xác định sai phạm". Một số thí sinh khác chủ động nghỉ học hoặc không nhập học.

Tại sao rất nhiều phụ huynh mong muốn con vào được trường thuộc khối công an, quân đội; thậm chí cố gắng tìm cách "mua điểm" bằng mọi giá để con được vào những trường này...?

Học miễn phí, ra trường được bố trí việc làm

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng các trường quân đội, công an được ưa chuộng là do trong môi trường này, người học được rèn luyện, học tập có tổ chức, kỷ luật chặt chẽ.

"Có nhiều người nói ví von trong môi trường quân đội, công an là “kỷ luật sắt” góp phần hình thành nên nhân cách tốt đẹp: sống có nền nếp, có tổ chức, có kỷ luật”- ông Ngai nói.

Cũng theo ông Ngai, khác với các trường khác thí sinh học quân đội, công an ra trường có việc làm ngay, mang tính ổn định, với mức lương cao so với công chức viên chức có trình độ, thâm niên công tác tương đương làm việc ở các ngành, nghề khác.  

"Hiện nay, ngành quân đội, công an có vị trí quan trọng trong xã hội nên gia đình thường có niềm tự hào khi người thân làm ở đây. Một số người đã hoặc đang công tác trong ngành muốn con, em tiếp nối sự nghiệp của mình"- ông cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Ngai, lý do đặc biệt hơn là “trong thời gian học, học viên được cấp trang phục, ăn ở miễn phí, không phải đóng học phí, có khi còn được hưởng phụ cấp. Khi ra trường lại có việc làm ngay, mang tính ổn định, lương cao, làm việc trong giai đoạn đất nước không có chiến tranh và còn có thể có những thu nhập ngoài lương".

Độ an toàn cao, tương lai đảm bảo

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thì nhìn nhận quân đội, công an là ngành "nóng" đối với thí sinh các tỉnh miền núi, chứ với phụ huynh Sài Gòn thì không phải là "tâm điểm".

Thầy Du cho rằng phụ huynh tìm mọi cách, kể cả cố gắng "mua điểm", là do các khối ngành này có độ an toàn cao.

“Thí sinh ở hai ngành này ra trường lại đảm bảo có việc làm ngay, môi trường làm việc không cạnh tranh. Hơn nữa, họ sẽ rất dễ thăng tiến nếu là con ông cháu cha” - thầy Du nhìn nhận.

Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay sở dĩ phụ huynh mong muốn con vào được trường công an, quân đội vì họ biết khi ra trường chắc chắn được làm việc trong các cơ quan công quyền. 

“Người dân thường quan niệm đi làm Nhà nước mới an tâm. Ngoài việc chắc chắn có việc làm thì cơ hội được thể hiện quyền lực và có thể nâng cao thu nhập” - ông Sơn nói

Ông Sơn cho rằng phụ huynh có tâm lý cố "mua điểm" cũng xuất phát từ quan niệm như sự đầu tư cho tương lai con em.

Hướng nghiệp bất lực vì bố mẹ có chức quyền 

Là người có kinh nghiệm hơn 15 năm làm tư vấn tuyển sinh, ông Sơn nhìn nhận học sinh ở các lớp giỏi sẽ có sự tìm hiểu, tự chủ tốt hơn. Còn các em học lực kém hơn thường theo ý kiến cha mẹ. “Và cha mẹ của các em thì nhìn thấy một thực tế là ở các ngành công an, quân đội thường giàu hơn nên các em cũng có xu hướng muốn vào đấy”.

Ông Hoàng Đức Bình, chuyên gia hướng nghiệp tuyển sinh nhiều năm, nhìn nhận nhiều phụ huynh xác định đây là “nghề vua”. “Khi cha mẹ học sinh là những người có chức quyền, sẽ rất khó hướng nghiệp cho các em".

Còn ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng sở dĩ có tâm lý này là do hiện nay công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông dù tổ chức dưới nhiều hình thức nhưng trên thực tế chưa giúp học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

"Nhiều gia đình có suy nghĩ muốn con em theo nghề nghiệp của cha mẹ do họ cảm thấy hài lòng với sự nghiệp của mình, đặc biệt có thể là chỗ dựa cho con cái kiếm việc sau khi tốt nghiệp nhờ có mối quan hệ hàng chục năm công tác trong ngành. Với niềm tin như vậy, họ sẽ bất chấp khả năng của con em mình để chạy chọt được một suất vào đại học”- ông Vinh nói.

Ông Vinh khẳng định, việc phụ huynh hướng nghiệp cho con không phải vì sở thích hay mong muốn, mà bằng mọi giá để vào trường công an, quân đội sẽ dễ làm hỏng con mình. "Các cháu muốn vào những ngôi trường đó thì hãy để các cháu lựa chọn và bằng chính sức học và nguyện vọng của mình sẽ tốt hơn”- ông Vinh nhắn gửi.

 

Hiện nay, sau 4-5 năm đào tạo, một sĩ quan công an, quân đội vừa ra trường nếu thiếu úy sẽ có hệ số lương là 4,2; Hệ số lương của trung úy là 4,6. Ngoài lương các sĩ quan công an, quân đội sẽ còn được nhận thêm phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực, thâm niên, công vụ...

Theo tài liệu nghiên cứu văn kiện Hội nghị Trung ương 7 của Ban Tuyên giáo Trung ương công bố năm 2018 khi nghiên cứu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan công tác ở địa bàn xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh La Châu (là xã đặc biệt khó khăn được áp dụng phụ cấp đặc biệt 100%, phụ cấp thu hút 70% và phụ cấp khu vực 0,7), thì thiếu úy (tốt nghiệp đại học) được hưởng 17.017.000 đồng/tháng; trung tá được hưởng 27.937.000 đồng/tháng (hưởng phụ cấp thâm niên nghề 20%).

 

 Lê Huyền

Lời xin lỗi của trưởng phòng và câu trả lời bất ngờ của Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La

Lời xin lỗi của trưởng phòng và câu trả lời bất ngờ của Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La

 Các thuộc cấp của mình bị đề nghị khởi tố vì liên quan tới gian lận thi THPT quốc gia năm 2018, nhưng Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La chẳng có lấy một lời xin lỗi.