Việc tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines, theo một cách nào đó là một sự thể hiện gần như phi thường về sự hợp tác quốc tế. 26 quốc gia, trong đó có nhiều nước là đối thủ của nhau, đã mở lãnh thổ, vùng biển và không phận hoặc đóng góp công nghệ và dữ liệu vệ tinh để phục vụ công tác cứu hộ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}

Sự hợp tác đặc biệt trên đã góp phần thu hẹp phạm vi tìm kiếm tới một khu vực hẻo lánh trên nam Ấn Độ Dương vào tuần này. Tuy nhiên, nỗ lực cũng kèm theo những giới hạn về sự tín nhiệm giữa các cường quốc như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Ấn Độ và Thái Lan. Tất cả đều hạn chế cung cấp những thông tin nhạy cảm vì lợi ích chiến lược riêng của mỗi quốc gia.

Các công cụ tìm kiếm bao gồm các radar tân tiến, mạng lưới vệ tinh, những phân tích tình báo, máy bay và tàu giám sát, cũng là những thiết bị do thám. Và khi bắt tay hợp tác với nhau, việc các nước tham gia che đậy khả năng kỹ thuật cũng như điểm yếu của mình đã cản trở công tác tìm kiếm, các nhà phân tích quân sự cho thấy.

"Tại Đông Nam Á và trong khu vực rộng lớn hơn, không có diễn đàn quốc phòng nào cho phép chia sẻ thông tin khả năng liên quan tới một sự việc nào đó có quy mô lớn như thế này," tờ The New York Times dẫn lời Jon Grevatt, một nhà phân tích Châu Á-Thái Bình Dương tại tổ chức tư vấn quốc phòng IHS Jane’s, Bangkok cho biết.

 "Họ cố gắng thiết lập kênh liên lạc chung nhưng nó không thực sự xảy ra. Đó là bằng chứng xa hơn về việc tiếp tục ngờ vực hoặc thiếu tin tưởng lẫn nhau."

Chẳng hạn như, các nhà chức trách Ấn Độ đã miễn cưỡng thảo luận về dữ liệu radar từ Vịnh Bengal, dọc theo một trong những hướng đi có thể của chiếc máy bay. Điều này thực ra là vì họ không có nhiều dữ liệu khi mà khu vực này là một điểm yếu trong hệ thống radar bao phủ của Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn, một quan chức quân sự cấp cao Ấn Độ cho biết Ấn Độ không giám sát chặt chẽ tại Bengal vì đó là không phải là một khu vực nhạy cảm như biên giới với phía bắc với Pakistan. Điều này có thể kiến họ đã không phát hiện chiếc máy bay bay vào ban đêm, ông cho biết.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Malaysia đã xảy ra trong quá trình hợp tác cứu hộ. Các nhà chức trách Trung Quốc hôm thứ Hai đã lên án Malaysia về việc họ miễn cưỡng chia sẻ thông tin về công tác tìm kiếm chiếc máy bay khi mà 2/3 hành khách trên chuyến MH370 là người Trung Quốc.

Cùng lúc, Trung Quốc cũng không sẵn sàng cho các quốc gia khác thấy dữ liệu radar quân sự chưa xử lý của họ, thậm chí một số nhà điều tra muốn ngó qua để xác định liệu chiếc máy bay có bay theo hướng bắc tới Trung Á hay không. Thay vì vậy, Trung Quốc, cũng giống như một vài quốc gia khác, chỉ nói với các nhà chức trách Malaysia rằng dữ liệu của họ không phát hiện máy bay.

"Họ sẽ không chia sẻ dữ liệu radar," một trong các nhà chức trách phương Tây giấu tên cho biết.

Có thể hiểu rằng Trung Quốc không chỉ muốn giấu khả năng mà còn che đậy cả những hạn chế về công nghệ của họ, ngay cả khi họ đã mạnh bạo hơn trong việc xác nhận là một cường quốc quân sự, các nhà phân tích nói.

Một số quan chức Trung Quốc nói rằng thực sự có căng thẳng trong suốt quá trình tìm kiếm nhưng họ đổ lỗi cho những người khác. Đại tá Dai Xu thuộc Không quân Trung Quốc, tác giả của các cuốn sách quân sự, cho biết: "Trung Quốc đã nỗ lực rất lớn trong lần tìm kiếm và cứu hộ này, điều đó đã thể hiện sự chân thành tối đa. Tuy nhiên không may là không phải mọi quốc gia đều như vậy vì lòng tin chính trị chưa đủ."

Các hình ảnh vệ tinh là một trong những thông tin được bảo vệ và gây tranh cãi nhất.

Một cựu quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết các hình ảnh được cho là mãnh vỡ của máy bay mà chính phủ Trung Quốc tiết lộ từ đầu và sau này đã xác định là không liên quan tới vật trôi nổi ở phía đông Malaysia đã được "chỉnh sửa" để che đậy khả năng thực sự của vệ tinh.

"Tôi tin rằng người Trung Quốc đã cố ý làm rối các bức ảnh để ngăn việc tiết lộ độ phân giải thật," một cựu phi công Mỹ tán thành với quan điểm của vị quan chức quân sự cấp cao.

Sầm Hoa