Người lao động nghỉ làm, học sinh ngưng đến trường, các hoạt động vui chơi bị hạn chế, quán xá đóng cửa,... đều là những nguyên nhân khiến tài xế công nghệ ngày càng ế ẩm. Khi thành phố áp dụng Chỉ thị 15 kể từ 0 giờ 31/5 chắc chắn khách gọi xe sẽ thưa thớt hơn nữa.

{keywords}
Tài xế chở khách trong bối cảnh Sài Gòn vắng lặng sáng cuối tuần. (Ảnh: Hải Đăng)

“Doanh thu mấy ngày này chỉ bằng 30% so với trước”, tài xế Đỗ Thái P. vừa chạy xe vừa nói chuyện với khách. Kể từ khi bắt đầu chạy Grab năm 2017 đến nay, lần đầu anh P. chứng kiến doanh thu sụt giảm trầm trọng như vậy.

Ngày thường, anh nhận các cuốc xe từ sáng sớm chở nhân viên văn phòng đi làm. Trưa, một số phụ huynh đặt xe để anh chở con họ đi học về. Cuối tuần, một khách quen thường đặt xe từ sáng tinh mơ đi tập thể dục tận Landmark 81 (Bình Thạnh, TP.HCM).

Nhưng dịch bùng lên thì lứa khách này giảm hẳn. Học sinh không đi học, bố mẹ thì làm việc tại nhà. “Còn anh khách thì mấy cuối tuần nay không đi tập thể dục nữa, chắc sợ Covid”, anh P. chia sẻ.

Sau khi TP.Hồ Chí Minh tuyên bố số ca nhiễm Covid tăng mạnh hôm 30/5, đặc biệt có hơn 100 ca liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hưng, đường phố khu trung tâm ít náo nhiệt hơn hẳn. Các công viên rào chắn, hàng quán chỉ bán mang về, nhiều cơ quan, tổ chức đóng cửa phòng dịch, người ra đường ít hơn. 

“Tầm này được cuốc nào hay cuốc nấy”, tài xế Lê Hải N. nói. “Dịch thế này ít việc hơn hẳn. Không chỉ buồn vì thu nhập ít mà còn buồn vì rảnh rỗi”, anh N. tâm sự. Bên cạnh chạy xe công nghệ, trong tuần anh N. còn làm thêm công việc khác.

“Chưa bao giờ mong đến thứ Hai như vậy, để được đi làm. Chứ dành 3 ngày cuối tuần chạy kiếm thêm mà dạo này ế quá”, anh tài xế trẻ nói giọng ủ rũ.

Hàng quán không mở cửa, chỉ phục vụ mang đi những tưởng tài xế có nhiều đơn hàng giao đồ ăn hơn, nhưng thực tế không phải vậy. Các quán ăn lề đường, cà phê hè phố đóng hẳn khiến một lượng lớn nguồn cung giảm xuống.

Chưa kể, nhiều người ở nhà hơn nên nhu cầu đặt đồ ăn thức uống bớt đi. Nhóm nhân viên văn phòng thường ngày đặt đồ ăn trưa, cà phê, trà sữa không còn nhiều như trước.

Vấn đề vệ sinh phòng chống dịch cũng được cân nhắc hơn, do đó nhiều người tự nấu ăn tại nhà thay vì đặt đồ ăn từ bên ngoài như trước.

Nhìn chung, nhóm tài xế công nghệ 2 bánh lẫn 4 bánh đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, gần đây nhất là làn sóng thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh hơn.

Trong bối cảnh này, không chỉ nhóm tài xế công nghệ mà các lao động tự do khác trên các app điện thoại cũng ít việc hẳn. Nhìn rộng ra, hầu như cả ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng.

Dù nhìn thấy những tác động tiêu cực lên công việc làm ăn kinh doanh của mọi cá nhân, ngành nghề nhưng TP.Hồ Chí Minh đã quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) áp dụng Chỉ thị 16, kể từ 0 giờ ngày 31/5, nhằm đề phòng dịch bệnh lan nhanh hơn.

"Chấp nhận hy sinh 2 tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài. Hai tuần với TP.Hồ Chí Minh rất lớn nhưng không có cách nào khác, ta phải chọn giải pháp ít xấu nhất", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói trong cuộc họp sáng 30/5.

Trong Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2021, Ngân hàng Thế giới nhận định Việt Nam đang tiếp tục phục hồi sau Covid-19 nhưng kết quả phục hồi giữa các ngành còn chưa đồng đều.

Mặc dù các chỉ số tăng trưởng đều tốt, nhưng Ngân hàng Thế giới lưu ý đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này sẽ ảnh hưởng đến một số ngành nghề như du lịch, vận tải và bán lẻ. 

Một báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch. Trong đó, khoảng 17,6 triệu người (chiếm 57,3%) bị giảm thu nhập.

Hải Đăng 

 

Lao động tự do trên ứng dụng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

Lao động tự do trên ứng dụng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

Nhiều lao động tự do trên các ứng dụng vài ngày gần đây ít việc hơn do những biện pháp phòng dịch Covid-19.