Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trò chuyện với VietNamNet:
Cô giáo dạy tiếng Pháp với tấm bản đồ quan trọng
Mỗi lần vào dịp đại lễ 30/4, Thượng tướng lại có chuyến thăm Sài Gòn, gặp những cựu chiến binh, và thăm nhà của má Sáu - bà má miền Nam với tấm bản đồ mà nhiều lần ông nhắc đến?
Đó là vào ngày 26/3/1975, chúng tôi nhận được lệnh đánh bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ngày 28/3, quân ta chia làm 5 mũi phối hợp tấn công vào Đà Nẵng chia cắt phá vỡ đội hình địch. Hôm sau, TP Đà Nẵng được giải phóng. Tôi nhận lệnh của Bộ Tổng Tham mưu do đồng chí Phùng Thế Tài chỉ thị: “Trung đoàn 27 quay ra Đông Hà bổ sung trang bị xe của Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn), vào tập kết ở Đồng Xoài miền Đông Nam Bộ chuẩn bị cho chiến dịch miền Nam.
Trung đoàn chúng tôi được lệnh tấn công mở đường theo đường đất đỏ qua Bình Chuẩn đánh vào Búng ở trục đường 13, cách Lái Thiêu 10 cây số. Trung đoàn có 2.000 lính bộ binh, sau được tăng cường thêm đơn vị xe tăng, pháo binh quân số lên khoảng 3.000 người.
Theo quy định của mặt trận, chúng tôi bắt liên lạc với cơ sở, đợt đó anh Sáu Châu Huyện đội đi cùng chị Hai Mỹ, qua khu nghĩa địa vào Búng thì trời tối sập. Ở đó có một đại đội bảo an dân vệ của địch. Chúng tôi phát hiện một ngôi nhà trong khu Búng, có ánh đèn dầu le lói.
Tôi nhận định có thể đây là cơ sở cách mạng của ta, nên cho trinh sát bò vào gần sát ngôi nhà phát tín hiệu “Hồ Chí Minh”, trong ngôi nhà có tiếng vọng ra “Muôn năm”, chúng tôi mừng khôn xiết.
Trong nhà có chiếc bàn đơn sơ và ngọn đèn dầu. Má tên là Sáu Ngẫu, chồng bị địch bắt năm Mậu Thân (1968) rồi bị đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đó. Tôi nhờ má cung cấp thông tin.
Má vào buồng lấy ra tấm bản đồ. Vốn là một cô giáo dạy tiếng Pháp nên má rất giỏi, tấm bản đồ của má đánh dấu kỹ càng các địa điểm quan trọng. Tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu đã dẫn đường cho Trung đoàn 27 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.
Thường dịp 30/4 năm nào tôi cũng vào miền Nam, thăm lại nhà má, để cùng các cựu chiến binh tri ân và thắp hương cho má. Điều mừng nhất là năm nay má đã được Nhà nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.
Còn trận đánh vào đúng sáng này 30/4, thưa ông?
Ngày 26/4/1975, sau khi chọc thủng tuyến “tử thủ” của địch, 5 cánh quân ta đồng loạt tiến công thẳng vào Sài Gòn, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân. Tiếp đó, ngày 29/4, quân ta công kích trên toàn mặt trận.
Kết hợp với tôi có các đồng chí Lê Thế Dũng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3; đồng chí Hoàng Thọ Mạc, Đại đội trưởng Đại đội xe tăng. Tôi bố trí quân đánh thẳng vào cầu Vĩnh Bình. Các mũi phối hợp tấn công, Tiểu đoàn 5 (mũi luồn sâu) tấn công địch từ hướng Nam, đánh cầu Lái Thiêu bắn cháy 4 xe tăng địch, đánh chiếm quận lỵ Lái Thiêu, cầu sắt Lái Thiêu.
Trước tình thế đó, địch dùng mọi lực lượng lính, xe tăng, tập trung vào tuyến “tử thủ” hi vọng chặn các mũi tiến công của ta. Chúng tôi dùng hỏa lực tấn công vào các mục tiêu cố thủ của địch, địch cũng bắn trả dữ dội.
10h ngày 30/4, chúng tôi tiếp tục đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân địch và chiếm 13 căn cứ Lục quân công xưởng Gò Vấp, Tổng Y viện Cộng hòa. Đúng 10h30, Trung đoàn 27 chiếm được toàn bộ trung tâm Gò Vấp, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ vào đúng sáng 30/4/1975.
Tự hào và xót xa, tưởng nhớ
Là một vị tướng trận mạc, kinh qua vô vàn trận đánh, ký ức những ngày tháng 4 trong ông ra sao?
Đầu tiên là sự tự hào, khi chứng kiến nước nhà thực sự độc lập, và niềm vui khi thực hiện trọn vẹn di chúc của Bác “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Nhưng chúng tôi cũng vô cùng xúc động, xót xa và tưởng nhớ biết bao nhiêu người đã hy sinh trên chặng đường chiến đấu gian khổ. Tôi rất nhớ anh Hoàng Thọ Mạc – Đại đội trưởng Đại đội xe tăng. Trong trận đánh vào trung tâm Gò Vấp đúng sáng 30/4, khi hai bên dùng hỏa lực tấn công nhau dữ dội.
Đến cầu Vĩnh Bình thì tăng hỏng, anh Hoàng Thọ Mạc nhảy ra khỏi xe tăng, xuống chỉ huy, dùng súng B41 bắn cháy thêm 5 xe tăng của địch. Anh bị thương nhưng vẫn che chở cho chiến sĩ nên đã hy sinh.
Anh hy sinh khi Trung đoàn chỉ còn cách Sài Gòn 10km.
Thế hệ trẻ ngày xưa của các ông sinh ra và chiến trưởng thành trong thời chiến, đã không tiếc máu xương vì độc lập lại của Tổ quốc khác thế hệ trẻ thời bình ra sao? Tôi muốn nói đến khát vọng cống hiến, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.
Ngày xưa thế hệ trẻ của chúng tôi khi ra trận chỉ có một nguyện vọng duy nhất. Đó là “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Chúng tôi đi theo khát vọng lớn nhất là giành độc lập, thống nhất đất nước, thiết tha theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Bây giờ là thời bình, thế hệ trẻ có điều kiện hơn, tiếp cận với thông tin đa chiều, rồi hội nhập toàn cầu, có trình độ hơn về mọi lĩnh vực nhất là khoa học công nghệ. Tôi nghĩ thế hệ sau này phải biết kế thừa, phát huy, giữ gìn và trân trọng sự hy sinh của thế hệ trước.
Thế hệ trẻ bây giờ có khát vọng chinh phục và đã chinh phục được nhiều đỉnh cao. Họ sẽ giúp đất nước phát triển hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc. Cơ đồ đất nước nằm trong tay họ.
Niềm tin vào thế hệ trẻ
Một vị tướng vào quân ngũ ở tuổi 17, mới 26 tuổi đã được phong là Anh hùng lực lượng vũ trang có niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay thế nào?
Tôi rất tin tưởng rằng thế hệ sau này sẽ giỏi hơn chúng tôi vì các cháu có điều kiện học tập và tiếp cận những tinh hoa của thế giới. Vấn đề còn lại là các bạn có biết để vận dụng vào sự nghiệp của mình, của đất nước hay không.
Chúng ta cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều đó đòi hỏi cả một quá trình phải chiến đấu, phải xây dựng để đưa đất nước ta lên tầm cao mới. Có như vậy, chúng ta mới đạt được những mục tiêu như lời Bác mong muốn.
Phần đông thế hệ trẻ hiện nay có học thức, có ý chí, nghị lực, có ước mơ. Họ ước mơ làm giàu và ước mơ trở thành những nhà doanh nghiệp, những người có ích cho xã hội. Đấy là số đông, còn lại một số ít thì ngược lại. Chúng ta cần phải đưa số đông đi lên để phát triển. Từ đó, kéo theo những số ít còn đang hạn chế đi theo sau. Số đông đó như là tấm gương đi trước.
17 tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, chàng trai Nguyễn Huy Hiệu viết đơn tình nguyện nhập ngũ, 21 tuổi là Đại đội trưởng. Tháng 12/1973, khi vừa tròn 26 tuổi, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Cuộc đời chiến trận của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu gắn liền với những bước ngoặt, mốc son của đất nước và quân đội: Chiến dịch Mậu Thân (1968), Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1971), Chiến dịch Quảng Trị (1972), Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Biên giới phía Bắc (1979)… |