Việc nghiên cứu đề kháng kháng sinh giúp cập nhật mức độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh hiện có, đồng thời góp phần nâng cao ý thức phòng chống đề kháng kháng sinh trong cộng đồng.
Sự cần thiết phải tiến hành nghiên cứu đề kháng kháng sinh
Nhiễm khuẩn cộng đồng là một gánh nặng to lớn cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và chiếm đến 8,2% (gần 10%) trong số những gánh nặng toàn cầu về tần suất mắc bệnh và tử vong có liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp (RTIs). Tình trạng đề kháng kháng sinh đã thực sự trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu với ước tính có khoảng 700.000 người chết mỗi năm do các bệnh nhiễm khuẩn có liên quan đến đề kháng kháng sinh.
Đề kháng kháng sinh là vấn đề toàn cầu |
Nếu chúng ta không có những hành động kịp thời thì vào năm 2050 số người chết do các bệnh nhiễm khuẩn có liên quan đến đề kháng kháng sinh có thể tăng lên tới 10 triệu người/năm, và làm giảm ~3,5% GDP toàn cầu do phát sinh tổng chi phí điều trị có liên quan đến đề kháng kháng sinh.
Cũng vào thời điểm đó, với tổng sản lượng kinh tế toàn cầu chiếm gần 100 nghìn tỷ USD nhưng cứ mỗi 3 giây sẽ có một người tử vong có liên quan đến đề kháng kháng sinh và mỗi đầu người hiện nay sẽ gánh thêm một khoản chi phí đến hơn 10 nghìn USD.
Tại Việt Nam, tình trạng đề kháng kháng sinh hiện nay đang ở mức báo động. Số chủng vi khuẩn kháng thuốc và đa kháng thuốc ngày càng nhiều, và mức độ đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng một cách đáng ngại.
Vì vậy, việc khảo sát định kỳ về hiệu quả của kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp trong cộng đồng, là rất quan trọng, đặc biệt là đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp (RTIs). Các dữ liệu nghiên cứu này góp phần quan trọng trong các quá trình nghiên cứu để đưa ra các phác đồ điều trị mới có hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao ý thức của giới y tế và khuyến khích sự tuân thủ tốt hơn với các nguyên tắc chỉ định/sử dụng kháng sinh hợp lý trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như trong cộng đồng trên toàn thế giới.
Nghiên cứu về đề kháng kháng sinh (SOAR)
Từ năm 2002, nghiên cứu về đề kháng kháng sinh (SOAR) đã thu thập các mẫu phân lập của những chủng vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn đường hô hấp mắc phải trong cộng đồng (CA-RTIs) để phân tích và theo dõi mức độ nhạy cảm của những tác nhân vi khuẩn này đối với các kháng sinh hiện có tại nhiều nước khác nhau, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và vùng châu Á – Thái Bình Dương cũng như ở các nước Đông Âu.
SOAR được phát triển và kế thừa từ những kết quả ban đầu của Dự án Alexander thực hiện trong khoảng 1992-2001, một nghiên cứu giám sát quốc tế và đa trung tâm đầu tiên tập trung vào các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp mắc phải trong cộng đồng (CA-RTIs); và là chương trình giám sát độ nhạy cảm của các vi khuẩn đối với kháng sinh đầu tiên của GSK mang tầm vóc toàn cầu.
Ban đầu, lĩnh vực nghiên cứu của SOAR còn giới hạn và chỉ được thực hiện ở 11 quốc gia. Gần đây nhất SOAR 2015-2017, hiện đang tiến hành với số quốc gia tham gia đã tăng khoảng 2,8 lần lên đến 31 nước, trong đó có Việt Nam với 2 trung tâm nghiên cứu.
SOAR tập trung vào các tác nhân vi khuẩn chính thường gây nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải trong cộng đồng: S. pneumoniae và H. influenza, là những chủng vi khuẩn gây bệnh chính trong nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải trong cộng đồng (CA-RTIs).
Tương lai, SOAR có kế hoạch mở rộng phạm vi nghiên cứu đến các chủng vi khuẩn thường gặp trong những bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện và các chủng khuẩn gram âm đề kháng và/hoặc đa kháng thuốc.
Dữ liệu mới nhất của SOAR đánh giá mức độ nhạy cảm của các vi khuẩn đối với 15 loại kháng sinh khác nhau hiện có trên thị trường của các nước tham gia nghiên cứu, dựa trên ba phương pháp định danh và chuẩn hóa: CLSI, EUCAST và điểm gãy PK/PD.
Việc đưa vào 3 điểm gãy khác nhau kể trên cho phép việc phân tích các kết quả dựa trên các điểm gãy phù hợp nhất tùy theo điều kiện của các phòng xét nghiệm vi sinh tại địa phương, cũng như giúp cho việc so sánh các kết quả thu thập được từ các trung tâm, quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Từ những kết quả của SOAR, GSK mong muốn nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về sự nguy hại của đề kháng kháng sinh và mức độ cấp thiết cần phải ngăn chặn và kiểm soát tình trạng này một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, GSK luôn cam kết đồng hành cùng các Hiệp Hội Y Khoa tại mỗi địa phương trong việc thực hiện các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng để phòng chống đề kháng kháng sinhh hiệu quả hơn.
Cũng với tôn chỉ đó, VPĐD GSK Pte Ltd tại Tp.HCM đã phối hợp cùng Hội Hô hấp Tp.HCM thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng về phòng chống đề kháng kháng sinh thông qua các hội nghị chuyên môn, chương trình tập huấn nâng cao kiến thức/kinh nghiệm thực hành cho các nhân viên y tế cũng như kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện các nguyên tắc sử dụng kháng sinh hợp lý.
Hưởng ứng lời kêu gọi của WHO nhân tuần lễ “Toàn cầu nhận thức về kháng sinh”, VPĐD GSK Tp.HCM phối hợp cùng Hội Hô hấp Tp.HCM thực hiện hội thảo trực tuyến Diễn đàn Nghiên cứu SOAR Toàn cầu 2016 với chủ đề “Đề kháng kháng sinh – Vấn đề toàn cầu” với sự tham gia của 38 quốc gia như Singapore, Việt Nam, Nga, Ukraine, v.v |
Thúy Ngà