Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), 8h tối Chủ nhật. 

Cô giáo T.B.Hạnh đang ngồi chuẩn bị bài giảng cho buổi lên lớp. Không như những buổi dạy học thông thường khác, ở tuổi 51, đây là lần đầu tiên cô giáo Hạnh soạn giáo án cho một buổi giảng bài online. 

Lạ lẫm và hoang mang là cảm xúc không chỉ của riêng cô Hạnh. Với các học sinh lớp 1 mà cô đang làm chủ nhiệm, chúng còn chẳng hình dung nổi vì sao cô giáo của mình lại có thể nói chuyện khi ở trong màn hình của một chiếc máy vi tính. 

Khó khăn là vậy, thế nhưng cả cô và trò đều đang phải tập làm quen với điều này, nhất là khi, việc đến trường giờ đây đã trở thành một điều gì đó quá xa xỉ.

{keywords}
Cô giáo T.B.Hạnh lần đầu soạn giáo án cho một bài giảng online khi đã ở độ tuổi ngoài 50. Ảnh: Trọng Đạt

Tập dạy trực tuyến ở tuổi U60

Cô Hạnh thậm chí còn chẳng thể nhớ nổi lần cuối cùng mình được đứng trên bục giảng. Chỉ biết, đó là thời điểm sau tết nguyên đán 2 ngày, khi mà dịch Covid-19 vẫn còn chưa bùng phát ở Việt Nam. 

Kể từ đó đến nay, đã gần 2 tháng cô trò không thể gặp nhau, việc dạy và học trên lớp vì thế phải tạm thời bị gián đoạn. Cảm giác nhớ lớp, nhớ trường là điều có thể hiểu được, nhưng cả cô lẫn trò đều phải gác lại để nhường chỗ cho một mối lo khác, đó là sức khoẻ của bản thân và gia đình.

Thay vì những giờ giảng bài trên lớp, tâm trí của tất cả mọi người, từ giáo viên, ban giám hiệu cho đến phụ huynh đều tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh. Còn với các cô cậu bé lớp 1, chúng còn quá nhỏ để hiểu được điều gì đang xảy ra. Việc không đến trường đối với chúng chỉ đơn giản là kỳ nghỉ tết nguyên đán năm nay vẫn còn đang tiếp diễn. 

{keywords}
Công việc đứng lớp thường ngày của cô giáo Hạnh ở thời điểm chưa bị gián đoạn vì dịch Covid-19. 

Những tưởng việc học tập sẽ còn phải gián đoạn lâu dài, thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi công văn về việc tăng cường dạy và học qua Internet của Bộ Giáo dục & Đào tạo được gửi về cơ sở.

Chỉ ít ngày sau công văn đó, ngôi trường mà cô giáo Hạnh đang giảng dạy đã ra một bản kế hoạch về việc dạy học qua Internet và trên truyền hình. Đó cũng là thời điểm, cô Hạnh bắt đầu phải tập làm quen với việc giảng bài qua Internet, một điều không mấy dễ dàng với một người đã ở độ tuổi ngoài 50. 

Dạy học trên máy tính dễ hơn tưởng tượng

Có một thực tế là tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy không phải chuyện đơn giản. Tuổi tác và khả năng thích ứng với công nghệ là trở ngại lớn nhất với các thầy cô giáo, nhất là những ai đã ở ngoài độ tuổi ngũ tuần. 

Tuy nhiên, điều này lại không đúng với bản thân cô giáo Hạnh. Khác với nhiều giáo viên khác, sự nghiệp dạy học của cô Hạnh trải qua nhiều gián đoạn. Sau một thời gian dài lùi lại phía sau để gánh vác việc gia đình, khi trở lại với công việc cũ, cô Hạnh đã ở độ tuổi ngoài 40. 

Sự cạnh tranh ở môi trường giáo dục tư thục khiến bản thân cô phải tự làm quen với máy tính ngay từ thời điểm đó. Nhờ vậy, việc dạy học dù online hay offline giờ đây chẳng thể làm khó người giáo viên dạn dày kinh nghiệm này. 

{keywords}
Tập sử dụng phần mềm Zoom với sự hướng dẫn của con gái. Ảnh: Trọng Đạt

Sau một buổi thử dùng phần mềm Zoom với con gái, cô giáo Hạnh giờ đây đã có thể sử dụng thành thạo công cụ này và làm chủ việc dạy học trên Internet.

Theo người giáo viên này, trong phần mềm đã có sẵn các nút chức năng phục vụ cho việc tương tác. Ví dụ khi học sinh đồng ý sẽ có nút ấn quy ước để hiển thị biểu tượng like, học sinh muốn phát biểu sẽ có nút giơ tay. 
Thông thường, khi vừa vào lớp, cô giáo sẽ yêu cầu học sinh tắt mic. Khi ai đó ấn vào nút giơ tay, cô đồng ý thì bạn đó bật mic và phát biểu.
“Việc dạy online hóa ra không quá khó. Do học trường tư nên nhiều bạn đã biết sẵn tiếng Anh. Vì thế học sinh thậm chí còn bắt nhịp nhanh hơn mình.”, cô Hạnh chia sẻ. 

Sẽ làm tất cả vì học sinh thân yêu

Nói về khó khăn, cô Hạnh cho biết vấn đề ngoại ngữ là một trở ngại. Phần mềm Zoom không hỗ trợ tiếng Việt, vậy nên lúc đầu tiếp xúc hơi mất thời gian do phải tập làm quen. Tuy nhiên một khi đã nhớ các chức năng, việc sử dụng Zoom tương đối đơn giản. 

Ban đầu, Zoom mở cổng giới hạn thời gian tiết dạy. Tính năng này sau đó bị đóng lại và chỉ giới hạn mỗi tiết học trong 40 phút, lâu hơn sẽ phải trả phí. Đây là điều mà cô giáo này đang tìm cách khắc phục. 

{keywords}
So với học sinh lớn tuổi, các bạn nhỏ nghe lời cô giáo nên dễ tổ chức lớp học hơn. Tuy nhiên sự mất tập trung là một điểm yếu thường thấy của các bạn học sinh lớp 1. Ảnh: Trọng Đạt

Khó khăn lớn nhất của những buổi học online là sự tập trung của các bạn học sinh. Khác với các khối lớp khác, trong độ tuổi đang hình thành nhân cách, học sinh lớp 1 cần phải có một người ở bên cạnh để uốn nắn và cầm tay chỉ việc. Với hình thức học online, để làm được điều đó là không dễ dàng. 

Nhiều lúc, bố mẹ sẽ phải thay cô giáo ở bên cạnh con trong những buổi học online như vậy, trong khi đó, không phải lúc nào các bậc phụ huynh cũng có thời gian rảnh rỗi. Chính bởi vậy, việc học online thường xuyên phải thực hiện vào buổi tối thay vì ban ngày, cô giáo Hạnh chia sẻ.

Sau khi trải qua khoảng thời gian đầu làm quen, hiện lớp cô Hạnh đã có một số bạn đăng ký học online. Tuy nhiên không phải nhà bạn nào cũng có Internet và máy tính. Dù ở ngay Hà Nội, nhiều gia đình đã gửi trẻ về quê cho ông bà để có người trông con, đây cũng là một trở ngại khác đối với việc dạy và học online.

Chia sẻ với phóng viên, cô Hạnh cho biết hiện tổ giáo viên của cô đang tổ chức 1 số buổi học online thử nghiệm. Những buổi học này thường có sự dự giờ của các giáo viên khác để tích luỹ và chia sẻ kinh nghiệm thực tế với nhau.

Dù biết dạy và học online sẽ vất vả và khó khăn hơn rất nhiều so với việc đứng trên bục giảng thông thường, cô Hạnh và các giáo viên trong tổ của mình đều đang cố gắng hết sức để làm quen và thích nghi với công việc mới.

Chẳng biết tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu, thôi thì đến đâu hay đến đó, miễn là điều đó tốt cho học sinh thì mình sẽ làm, cô Hạnh nói.

Trọng Đạt