Raden Mas Yohanes Samiaji - một tình nguyện viên ở Indonesia - thầm cầu nguyện mỗi khi anh thu dọn thi thể những người mắc Covid-19 qua đời tại nhà riêng, để chuẩn bị đem đi chôn.
Samiaji dùng bông tẩm cồn lên mắt, lỗ mũi và tai của người chết, lấy miếng dán bịt miệng họ lại như một biện pháp phòng ngừa an toàn. Chiến đấu chống lại nỗi sợ hãi của chính mình, anh cố gắng hoàn thành công việc một cách bình tĩnh.
Tình nguyện viên Raden Mas Yohanes Samiaji |
"Tôi cũng sợ bị lây nhiễm... Nhưng tôi muốn giúp đỡ, nên tôi vẫn cứ làm", người đàn ông 46 tuổi bày tỏ với tờ The Sunday Times. "Ai sinh ra mà chẳng mắc bệnh, già ốm và chết đi. Chính cái chết làm cho cuộc sống của một người trở nên hoàn hảo".
Vốn là lái xe du lịch, Samiaji từng tham gia hoạt động tình nguyện trong dịp sóng thần tấn công Aceh năm 2004, và tham gia vào một sứ mệnh nhân đạo với Hội chữ thập đỏ quốc tế ở Senegal năm 2013 trong đợt dịch Ebola bùng phát.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lần này đã tấn công ngôi nhà của chính người cha 2 con này. Nó đã tước đi mạng sống của nhiều người thân và bạn bè anh, và cả những người xa lạ mà anh đang giúp đỡ.
Khi Covid-19 càn quét thị trấn Yogyakarta quê hương anh khiến số người tử vong tăng vọt trong tháng 7, điện thoại của Samiaji bắt đầu đổ chuông liên tục. Khi đó, một mình anh xử lý tới 10 thi thể nạn nhân Covid-19 mỗi ngày, thậm chí khiêng quan tài và đào mộ.
"Kể cả tôi có nhiễm bệnh hoặc chết vì Covid-19, tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó", Samiaji bày tỏ.
Minh bạch dữ liệu để có chính sách tốt hơn
Những tình nguyện viên như Samiaji đã làm việc không mệt mỏi kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công Indonesia hồi tháng 3 năm ngoái, thu hẹp khoảng cách mà phản ứng của chính quyền - hoặc chậm hoặc không đủ - để lại. Dù là cá nhân hay tập thể, họ đang làm nhiều công việc khác nhau, từ thu thập dữ liệu đến cung cấp thực phẩm và oxy cho người ốm.
Sau khi tìm hiểu về Covid-19 ở các nơi khác trên thế giới, 10 người Indonesia đã quyết định mở nền tảng cơ sở dữ liệu nguồn cung ứng cộng đồng, KawalCOVID19.id, vào tháng 3 năm ngoái.
Hiện số tình nguyện viên tham gia đã lên tới 70 người, với nhiều chuyên môn khác nhau, từ các bác sĩ đến chuyên gia công nghệ thông tin. Nhóm thu thập và so sánh dữ liệu chính thức từ các chính phủ quốc gia và khu vực, tóm tắt và hiển thị bằng các biểu đồ và bản đồ tương tác.
Người đồng sáng lập Elina Ciptadi tin rằng, dữ liệu chính xác hơn sẽ là chìa khóa để hiểu rõ "tầm quan trọng thực sự của đại dịch".
"Về cơ bản, những gì chúng tôi muốn đạt được là minh bạch dữ liệu để có các chính sách tốt hơn và nhắm tới mục tiêu tốt hơn. Chúng tôi phải dành nguồn lực hạn chế của mình cho những thứ có thể tạo ra tác động lớn nhất", báo Straits Times dẫn lời bà Elina giải thích. "Các chính sách giải quyết đại dịch sẽ chỉ hiệu quả khi chúng ta có dữ liệu".
Raden Mas Yohanes Samiaji (thứ 3 từ phải sang) cùng các tình nguyện viên cầu nguyện trước khi chôn cất nạn nhân Covid-19. Ảnh: Raden Mas Yohanes Samiaji |
Nhiều người chỉ trích Chính phủ Indonesia đã phản ứng không đầy đủ trước đại dịch. Elina cho rằng, điều này là bởi vì dữ liệu không phản ánh đúng số ca nhiễm thực sự do hạn chế về xét nghiệm và truy vết.
Indonesia, hiện đang là tâm dịch Covid-19 ở châu Á, ghi nhận hơn 3,8 triệu ca nhiễm và 116.366 ca tử vong tính đến 15/8. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Lan tỏa lòng tốt
Hồi tháng 4 năm ngoái, nông dân Niki Suryaman ở Tây Java và hai người bạn, nhạc sĩ Mochammad Dikky Zulkarnaen và chủ tiệm giặt là Dani Chrisdian, nghe tin khoảng 300 gia đình do mất việc làm và hạn chế đi lại nên chẳng còn gì để ăn ngoài lá sắn. Họ bèn thu gom đồ cứu trợ và lập ra 3 bếp nấu từ thiện ở Bandung. Một trong những bếp này được dựng trong một studio và các nhạc sĩ chuyển thành đầu bếp.
Trong tháng tiếp theo, nhóm phân phát cơm hộp và đồ ăn nhanh cho khoảng 100 người.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã xem đây là một tình huống cần đến phản ứng của cả tập thể. Nhưng chính phủ luôn phản ứng chậm trễ, trong khi nhu cầu cơ bản như ăn uống thì không thể đợi được", ông Niki - người đồng sáng lập phong trào đoàn kết xã hội ở Bandung SSB lên tiếng.
Tính đến tháng 12 năm ngoái, mạng lưới SSB đã vận hành 16 bếp nấu như vậy trong và ngoài Bandung, chủ yếu do cộng đồng hỗ trợ.
Khi các hạn chế khẩn cấp được áp dụng vào đầu tháng 7 vừa qua trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh trong thành phố, mạng lưới này cũng đã cung cấp thực phẩm thiết yếu cho khoảng 500 bệnh nhân Covid-19 tự cách ly và các gói hỗ trợ cho hơn 1.000 cư dân có nhu cầu, bao gồm cả những người thất nghiệp và gia đình có con nhỏ.
Ở Đông Java, Bety Sunarisasi đã có các gói hỗ trợ dành cho người ốm từ năm 2020. Gia đình người phụ nữ này cũng từng nhiễm Covid-19 hồi tháng 6 nhưng chỉ có cô và con trai sống sót còn người chồng không may mắn. Trong thời gian tự cách ly trong đau khổ, Sunarisasi cảm thấy được an ủi vì được bạn bè và những người hàng xóm cung cấp đồ ăn và các vật dụng cần thiết, kể cả oxy.
Điều này khiến cô cảm thấy cần phải lan tỏa lòng tốt thêm nữa. Ngay sau khi hồi phục, bà mẹ này cũng lập tức gửi oxy, đồ tiếp tế và các suất ăn cho người thân và bạn bè bị cách ly.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
- (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
- (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).
Thanh Hảo
Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới, Thái Lan lại chạm đỉnh
Thái Lan, Indonesia chìm sâu trong dịch Covid-19 với những con số buồn về số ca nhiễm mới và ca tử vong mới.