"Treo chân" suốt thai kỳ

Xuất hiện tại chương trình Tâm sự mẹ bỉm sữa tập 234, mẹ bỉm Huỳnh Như Lam (33 tuổi, TPHCM) khiến 2 MC phải trầm trồ vì vẻ đẹp tươi tắn, trẻ trung.

Dù là mẹ 2 con, bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng chị Lam nhẹ nhàng từ nhan sắc đến tính cách. Hành trình mang thai, nuôi con của chị thực sự truyền cảm hứng cho rất nhiều mẹ bỉm sữa hiện đại.

ảnh 5   bí quyết làm đẹp.jpg
Mẹ bỉm Như Lam vui vẻ kể lại hành trình mang thai và sinh con

Chị Lam kết hôn sớm khi mới 21 tuổi. Sau 1 năm son rỗi, vợ chồng chị vẫn chưa có tin vui. Điều này khiến hai người lo lắng, nghi ngờ hiếm muộn.

Và rồi, tin vui bất chợt tìm đến vợ chồng chị theo cách khó ngờ. Lúc đó, chị Lam và chồng xảy ra mâu thuẫn. Chị buồn giận, xách vali bỏ ra Hà Nội. Sau 3 ngày nguôi giận, chị về lại TPHCM và phát hiện có thai.

Chị Lam kể: “Thấy que thử thai lên 2 vạch, tôi vui mừng chạy vào phòng gọi chồng thức dậy, chở đến bệnh viện kiểm tra. 

Vợ chồng tôi đến những bệnh viện lớn nhất ở TPHCM để khám thai. Khi biết chắc chắn có em bé, chúng tôi báo tin cho ông bà nội, ngoại”.

Hạnh phúc làm mẹ giúp chị Lam vượt qua rất nhiều khủng hoảng lúc mang thai. Bởi, chị nghén từ lúc mang thai cho đến khi sinh.

Thai nhi còn có dấu hiệu bong nhau cho nên chị Lam phải hạn chế vận động. Phần lớn thời gian, chị phải nằm và “treo chân” trên giường.

Mặc dù, thai kỳ vất vả, nhiều lo lắng nhưng chị Lam được chồng và gia đình hỗ trợ, chăm sóc hết sức chu đáo.

Sau 9 năm từ khi sinh bé đầu lòng, vợ chồng chị Lam mới có được bé thứ hai. Cả hai đang lên kế hoạch làm thụ tinh ống nghiệm thì chị phát hiện mang thai.

Lúc đó, chị Lam phát tâm ăn chay trường. Vì vậy, khi có thai, chị băn khoăn không biết nên tiếp tục ăn chay hay ăn mặn. 

Cuối cùng, chị vẫn quyết định ăn chay một cách khoa học. Thế nên, em bé sinh ra nặng 3kg, không bị suy dinh dưỡng.

ảnh 1   bí quyết làm đẹp.jpg
Chị Lam nhanh chóng lấy lại vóc dáng chỉ sau một tháng ở cữ

Bí quyết xinh đẹp sau sinh

Cả hai lần sinh con, chị Lam đều chọn sinh mổ để được chủ động thời gian. Mẹ bỉm xinh đẹp nói: “Em không thích cảm giác tự nhiên bị đau bụng chuyển dạ. Thế nên, cả 2 con em đều chủ động chọn ngày và sinh mổ”.

Hành trình đi sinh 2 con của chị Lam không kém phần hài hước. Bé thứ nhất, chị nhõng nhẽo mà cả bệnh viện đều biết đến tên.

Chị Lam khóc nhiều, các bác sĩ lo lắng, sợ sản phụ gặp vấn đề. Đến khi bác sĩ trưởng khoa vào khám và chẩn đoán “bình thường”, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau khi sinh bé thứ nhất, chị Lam nói với chồng: “Em không sinh thêm đứa nào nữa đâu”. Từ đó, chồng chị không bao giờ nhắc đến chuyện sinh con thứ hai.

Trong tháng ở cữ, chị Lam được gia đình chăm sóc kỹ lưỡng, theo đúng truyền thống. 3h hàng ngày, bố chị chuẩn bị sẵn một bếp than. Tiếp đó, ông lấy nước muối đã được nấu và hạ thổ 100 ngày cho vào nồi, bắc lên bếp.

“Nước muối đủ nóng thì tôi đưa mặt vào hơ. Hơ khoảng 1 tiếng đồng hồ cho mặt săn chắc. 

Nước muối bớt nóng thì lấy đắp lên mắt, bụng, những chỗ bị thâm, có mùi. Cách làm này giúp bụng phẳng, mau lấy lại dáng. 

Đến 7h, bố đập tỏi bỏ vào nồi nước muối đun lên và kêu tôi xông cho thơm người. Buổi trưa, tôi tiếp tục xông bằng dược liệu, chiều thì bóp tay chân bằng dầu gừng. 

Sau mỗi bữa ăn, tôi còn uống 1 ly rượu ngâm trứng, giúp sữa cho con có nhiều dinh dưỡng. Tất cả đều được bố tôi hạ thổ đúng 100 ngày. 

Nhờ vậy, ra tháng, cơ thể tôi rất gọn, da mướt mát và đẹp như em bé”, chị Lam kể.

ảnh 4   bí quyết làm đẹp.jpg
Chị Lam khóc khi nhắc đến bố

Ngoài ra, chị Lam còn uống khoảng 20kg nghệ tươi, kiêng nước, không giặt đồ, nấu ăn… Hết tháng ở cữ, chị trở về dáng người như trước mà không cần giảm cân.

Việc ở trong phòng liên tục một tháng không ra ngoài khiến chị Lam có chút buồn tẻ. Tuy nhiên, chị nghĩ bố mẹ muốn tốt cho mình nên cố gắng tự tạo niềm vui, tận hưởng những ngày ở cữ hạnh phúc.

Ở lần sinh thứ hai, chị Lam trải qua biến cố mất bố do dịch Covid-19.

19 ngày sau sinh, chị nhận tin bố mất trong bệnh viện. Đó là khoảng thời gian kinh khủng đối với chị. 

Chị Lam không thể chợp mắt, buồn nhưng không có một ai để trò chuyện. Mẹ chị sốc nặng, không gượng nổi. Vì vậy, chị phải cố gắng vượt qua, làm chỗ dựa cho mẹ.

Nhắc lại biến cố của gia đình, chị Lam khóc nghẹn, cảm ơn bố đã chăm sóc trong thời gian chị ở cữ. Những kinh nghiệm của bố mẹ truyền dạy chính là hành trang, kiến thức để chị thực hiện tốt vai trò làm mẹ làm vợ.

Ảnh: Tâm sự mẹ bỉm sữa