Tôi rất ấn tượng với phát biểu của lãnh đạo Ban Kinh tê Trung ương nhân Diễn đàn kinh tế tư nhân mới đây. Theo đó, việc đánh số 10 cho Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân mong muốn Nghị quyết mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như Khoán 10 vào thời kỳ đầu Đổi mới.
"Đây là lần đầu tiên Đảng xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ", ông nói.
Chúng ta ai cũng mong muốn quốc gia phải phát triển hùng cường và thịnh vượng. |
Kinh tế tư nhân có vị trí nào trên đất nước mình?
Phải 31 năm sau Đổi mới, năm 2017 Đảng mới có Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trong đó xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một “động lực quan trọng” của nền kinh tế.
Trong suốt thời gian dài, trong khi các doanh nghiệp nhà nước được coi là “con đẻ”, được ưu đãi về tiếp cận các nguồn lực, thì doanh nghiệp tư nhân bị coi là con nuôi; còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được coi là thượng khách, được rải thảm đỏ mời gọi. Thực tế là doanh nghiệp tư nhân trong nước phải vật lộn trên “chông gai”, chịu cảnh “trên giải thảm, dưới giải đinh”, bị phân biệt đối xử.
Bởi vậy mà khu vực kinh tế này không lớn lên được, vẫn như “đoàn thuyền thúng ra khơi”. Hiện nay, trong khoảng 715.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đăng ký kinh doanh chính thức đang hoạt động, số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,65%; doanh nghiệp vừa chỉ 5,85%; còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ đóng góp chỉ khoảng 8-9 10% GDP, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thực tế là gần đây doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn rất khó khăn dù phong trào khởi nghiệp được phát động. Trong 2 năm 2017-2018, có 151.204 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tỷ lệ số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động so với số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 47,73% và 69,05%; gần 50% doanh nghiệp của tư nhân kinh doanh thua lỗ. Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng sống sót thấp ảnh hưởng lớn đến thực hiện mục tiêu đạt ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020.
Trong khi đó, tất cả các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, dù họ không xác định kinh tế tư nhân trong nước là “xương sống”, hay “nền tảng”, hay “động lực” gì cả, nhưng các doanh nghiệp tư nhân của họ đã vươn lên mạnh mẽ, đóng góp ít nhất 80 - 85% GDP cho đất nước mình. Những tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh làm “đầu tàu” cho cả nền kinh tế; là thương hiệu, là niềm tự hào của quốc gia.
Nghị quyết 10 nêu rõ, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Phải nói rằng, những mục tiêu đó là rất tốt, rất tham vọng, nhưng liệu có đạt được hay không? Thật không dễ trả lời. Nhưng theo tôi, cần có một tầm nhìn lớn hơn nếu muốn khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh thành trụ cột của nền kinh tế.
Thứ nhất, bất cập hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư kinh doanh
Trong nền kinh tế thị trường, môi trường pháp lý giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sự ra đời và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ở nền kinh tế chuyển đổi như chúng ta, hệ thống văn bản pháp luật đang được hoàn thiện nhanh chóng nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống kinh doanh, chưa theo kịp sự phát triển của đất nước trong khi khâu thực thi luật lại luôn là vấn đề.
Đơn cử, mãi đến năm 2000 Luật Doanh nghiệp đầu tiên mới được ban hành, phải 14 năm sau Đổi mới. Bên cạnh đó, nhiều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Ngân hàng, các Luật về Thuế, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… lại có tính ổn định không cao. Trong số những luật trên, nhiều luật ra đời vài năm đã phải sửa do nhiều nội dung bất cập. Việc sửa đổi luật cũng là tốt, nhưng mặt khác cho thấy sự mất ổn định, thiếu nhất quán trong môi trường đầu tư, kinh doanh, không tạo được lòng tin kinh doanh.
Trong khi đó, cơ chế xin – cho còn rất phổ biến trong quan hệ giữa cơ quan công quyền và doanh nghiệp. "Xin – cho", cơ chế tưởng chỉ có trong thời bao cấp, càng “vượng khí”, trở thành “gen” trội trong đời sống kinh tế thị trường.
Minh chứng cho tình trạng này là cả rừng giấy phép con của các bộ ngành và các địa phương, hạn chế sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chi đủ các loại phí, với khoản tiền không nhỏ.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận thì cần phải trả 0,7 - 1 đồng tiền chi phí không chính thức”.
Cũng do hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, dẫn đến sự ra đời doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp núp bóng quan chức, cơ quan quan công quyền để làm giàu. Doanh nghiệp ‘sân sau” chính là chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Thứ hai, chúng ta quá dè dặt, thận trọng trong cải cách kinh tế
Đổi mới thực chất là chuyển từ nền kinh tế đơn thành phần sang đa thành phần, công nhận quyền tự do kinh doanh của người dân. Đây là sự thay đổi lớn về nhận thức và quan điểm, từ chỗ kỳ thị, tẩy chay kinh tế thị trường chuyển sang thừa nhận kinh tế thị trường, thành tựu phát triển chung của nhân loại.
Tuy nhiên, chúng ta xác định con đường và mục tiêu xây dựng đất nước là phát triển “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là quan điểm phát triển chưa có trong lý luận lẫn thực tiễn.
Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách còn lúng túng, dè dặt và thận trọng khi đưa ra chủ trương, quyết sách về cải cách thể chế kinh tế. Mỗi chủ trương mới ra đời, ví dụ như Khoán 10, tức trao quyền cho nông dân trên chính mảnh ruộng của mình, dù chỉ là những bước nhỏ so với thế giới, hay chỉ là việc lặp lại các chính sách trước đây, thì đều được coi là “đột phá” vì khác biệt so với mô hình Xô Viết trước đây.
Khách quan mà nói, tất cả những thay đổi được xem là “đột phá”, thực chất chỉ mang tính “cơi nới”; chật hẹp ở đâu, cơi nới ở đó. Vì vậy, những bước đi đó không tạo ra xa lộ cho đất nước phát triển.
Nghị quyết XI, Trung ương V tháng 6/2017 thừa nhận: "Những hạn chế, yếu kém (về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là do: Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ. Tư duy bao cấp còn ảnh hưởng nặng nề. Năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường".
"Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu thiếu quyết liệt, hiệu quả thấp và chưa nghiêm. Vai trò, chức năng, phương thức hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị chậm đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế…”
Việc ghi thêm các cụm từ “xã hội chủ nghĩa” vào các phạm trù kinh tế, chính trị, xã hội khách quan, thông thường, phổ biến trên toàn thế giới là rất khó cho phát triển.
Không thể dò đá qua sông nữa
Thực ra, chủ trương mở đường cho người dân “bung ra” trong sản xuất, thương mại được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 6 Khoá IV (tháng 8/1979) khi tình thế đất nước bắt đầu gặp khó khăn, thiếu thốn từ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đến nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất. Đây được xem là bước đột phá đầu tiên của quá trình Đổi mới ở Việt Nam.
Song phải đến Đại hội VI năm 1986, sau một thời gian dài khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đảng mới chính thức phát động Đổi mới mà về bản chất là đưa nền kinh tế đơn thành phần trở thành nền kinh tế đa thành phần, bước đầu cho phép người dân và doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh.
Từ đó đến nay, Hội nghị Trung ương 6 Khoá IV đã gần 40 năm và Đổi mới đã qua 33 năm, Việt Nam đã có nhiều chủ trương mới trong phát triển kinh tế. Những chủ trương này luôn được đặt tên là “đột phá” hay “bứt phá” nhưng trên thực tế là vẫn còn dè dặt kiểu “dò đá qua sông”, không mang tính quyết liệt, tổng thể nên sức dân, hay đúng hơn là nội lực, chưa được phát huy đúng tầm, đúng tiềm năng cho phát triển đất nước.
Các tỉnh, thành phố đua nhau trải thảm mời gọi đầu tư, trong đó không ít nơi phải xé rào để ưu đãi cho thấy sự chật hẹp, bó buộc trong các chính sách phát triển quốc gia. Khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn không lớn lên được trong nhiều năm nay, chỉ chiếm vỏn vẹn 8-9% GDP, như tôi nêu trên. Những yếu tố đó, và nhiều hơn nữa, cho thấy trạng thái “kịch trần” về thể chế, về tư duy phát triển ở tầm vĩ mô.
Nhìn ra ngoài, cũng trong thời gian 30-40 năm, nhờ có những đột phá rất dài và toàn diện, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một số quốc gia này cũng trải qua nền tảng đau thương bởi chiến tranh.
Còn với Việt Nam, do sải bước đột phá ngắn và không mang tính tổng thể nên sau hơn 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, chúng ta vẫn chỉ là một nền kinh tế “thu nhập trung bình thấp”, dân số chúng ta đứng thứ 13 thế giới nhưng GDP chỉ chiếm 0,3% GDP toàn cầu năm 2018 (IMF), mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến 2020 đã lỡ và phải lùi đến năm 2030.
Chúng ta ai cũng có khát vọng Việt Nam phải trở nên thịnh vượng, hùng cường, nhưng tại sao chúng ta lại đi những bước dò dẫm chứ không phải những bước dài, đột phá? Điều gì cản trở Việt Nam tận dụng những thành quả của nhân loại tiến bộ trong tâm thế của nước đi sau để vương lên bứt phá?
Để trả lời những câu hỏi trên, có lẽ chúng ta không thể lặp lại những chính sách “cơi nới”, “dò dẫm” mà cần mạnh dạn tiếp thu những giá trị bình thường, mang tính phổ quát của nhân loại về phát triển kinh tế thị trường “hiện đại và hội nhập”. Bên cạnh đó, nhà nước pháp quyền phải thực sự “pháp quyền” để đảm bảo tài sản, sở hữu cho giới đầu tư. Chỉ khi nào người dân trong nước thi đua bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh thì chúng ta mới có thể xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Nguyễn Huy Viện