Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, năm 2017 đã đóng góp hơn 15% tổng GDP cả nước (tăng gần 3% so với năm 2016) với nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn.

Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước đột phá và phát triển, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như: biến đổi khí hậu; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ... nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Việt Nam cần tận dụng cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, thúc đẩy nghiên cứu, kế thừa, khai thác và ứng dụng những công nghệ mới và tiên tiến trên thế giới vào ngành nông nghiệp.

{keywords}
Nhân giống măng tây xanh bằng hạt ứng dụng công nghệ cao tại Viện nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, là nước đi sau, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quý giá cho Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới nói chung và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

Các ứng dụng của công nghệ số sẽ hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, thu thập, phân tích thông tin môi trường, điều khiển các thiết bị để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn.

Đồng thời, hỗ trợ hệ thống cảnh báo tự động, hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất và đề xuất các giải pháp tối ưu cho nhà nông; thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, lên kế hoạch sản xuất.

Từ đó, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống. Các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI) và xu hướng ứng dụng phần mềm, chip cảm biến trong các hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn, sẽ thúc đẩy tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản.

Dữ liệu lớn (Big Data) giúp cải thiện chất lượng dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để ra quyết định sản xuất nông nghiệp, ứng dụng trong chương trình bảo hiểm, khuyến cáo trong các quyết định đầu tư trồng trọt của người sản xuất. Sự kết hợp gữa internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn sẽ làm thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

Đối với các sản phẩm nông nghiệp, IoT sẽ chuyển từ hệ thống phân phối truyền thống sang buôn bán trực tuyến và kết nối người tiêu dùng với người sản xuất, phân tích và dự báo nhu cầu để ra quyết định sản xuất. Ngoài ra, IoT sẽ giúp tăng hiệu quả truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Đối với hệ thống tổ chức hành chính công trong nông nghiệp, cơ hội để tận dụng công nghệ số gồm: công nghệ viễn thám kết hợp với IoT và Big Data để giúp hỗ trợ cho quản lý thông tin cho quy hoạch, giám sát cung - cầu, quản lý và cảnh báo thiên tai, dịch bệnh, kết nối thị trường và phản hồi chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Việt Nam còn một số tồn tại cần tháo gỡ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp như: Chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn thấp và còn nhiều hạn chế; năng lực ứng dụng, hấp thụ các công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế; thị trường khoa học công nghệ đã hình thành nhưng quy mô nhỏ và còn nhiều hạn chế.

Việt Nam còn thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn. Ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế. Năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp còn chưa cao.

Do chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều bất cập..., Việt Nam cần chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy đầu tư công cho phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khoa học công nghệ nông nghiệp; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam và tạo vốn cho doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Hoài Thanh