Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

Năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường châu Âu hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA. Sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo.

Tương tự, từ tháng 6/2021, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An), đã mở Văn phòng đại diện tại Hamburg, Đức để các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu dễ dàng tiếp cận sản phẩm mang thương hiệu Trung An.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đòi hỏi cả nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Sự hợp tác đặt hàng, bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp là rất quan trọng. Đây là lý do giúp gạo Việt trụ vững ở thị trường EU. 

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,3 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU tăng trưởng ở mức 3 con số như Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 308%...

Về giá gạo xuất khẩu, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang EU thường có giá cao gấp nhiều lần con số bình quân này.

xuat khau gao.jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo được dự báo sẽ có một năm thắng lớn 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,46 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486,2 USD/tấn, giảm 7,7% so với mức bình quân năm 2021. Tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 2,45% trong tổng lượng xuất khẩu nhưng khu vực thị trường châu Âu đã có tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 90,7% so với năm 2021, đạt 172.200 tấn.

Theo các chuyên gia, EU là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều loại nông lâm thủy sản Việt Nam thời gian tới nhờ quy mô thị trường hơn 500 triệu dân và nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm ngày càng tăng cùng với cam kết cắt giảm hầu hết thuế quan trong lộ trình ngắn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU.


Theo Bộ Công thương, xuất gạo sang EU về lượng tuy không lớn so với các thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại rất cao do 27 nước EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam. Đây là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng. 

Tận dụng cơ hội

Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), gạo Việt Nam đang được đón nhận tại thị trường châu Âu - thị trường khó tính bậc nhất thế giới - và trong vài năm trở lại đây không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Điều đó khẳng định nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc không ngừng nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đáp ứng các quy định quốc tế đối với mặt hàng này.

Thời gian qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nỗ lực sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân quen dần và thực hiện tốt hơn quy trình canh tác lúa bền vững, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt là sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) về dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai trên cây lúa tại 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang với nhiều hợp phần khác nhau.

Dự án VnSAT đã tăng cường năng lực cho người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với quy trình kỹ thuật canh tác lúa bền vững theo quy trình 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật 1 phải 5 giảm. Theo đánh giá, đã có khoảng 180.000 ha lúa thực hiện quy trình canh tác bền vững trong dự án VnSAT, lợi nhuận tăng 30% so với canh tác truyền thống, lượng lúa giống giảm từ 30 - 40%, chi phí phân bón giảm khoảng 35%, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật giảm 48% và nước tưới sử dụng cho sản xuất lúa giảm, lợi ích rõ nhất là môi trường sinh thái đảm bảo, giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có cơ sở thực tiễn và khoa học để có mùa vụ lúa thắng lợi, chớp được thời cơ xuất khẩu gạo. Dự kiến, xuất khẩu gạo sẽ mang về 4,1 tỷ USD trong năm nay.

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV