Tập đoàn Hòa Phát cho biết: 6 tháng đầu năm, tổng lượng điện phát của các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đã đạt trên 1 tỉ kWh. Với con số này, Hòa Phát tự chủ phần lớn điện sản xuất và tiết kiệm được khoảng 1.700 tỉ đồng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Thép sản xuất tại khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất. |
Theo Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, Hòa Phát áp dụng các giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín, thu hồi triệt để nhiệt năng dư thừa để vận hành máy phát điện. Dây chuyền hiện đại của các nước G7 giúp tối ưu hóa sản xuất, tận dụng mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện than coke, luyện gang để nâng cao hiệu suất phát điện.
Trong đó, khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện có 4 tổ máy phát điện với tổng công suất 240 MW. Tổng lượng điện phát lên trạm 110 kV trong nửa đầu năm của Công ty đạt 815 triệu kWh, bằng sản lượng điện phát cả năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc Hòa Phát Dung Quất tự chủ 70% điện sản xuất. Quy đổi với giá điện hiện hành, khu liên hợp đã tiết kiệm được 1.300 tỉ đồng trong 6 tháng.
Cùng giải pháp trên, khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương đạt sản lượng điện 242 triệu kWh, tăng 40% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 6 tháng, Thép hòa Phát Hải Dương đã tiết kiệm được 400 tỉ đồng nhờ tự chủ phần lớn năng lượng cho sản xuất.
Thép là một trong những lĩnh vực được liệt vào danh sách tiêu tốn năng lượng. Tuy nhiên, những giải pháp tận dụng nhiệt dư như trên sẽ giúp các doanh nghiệp tự sản xuất được điện phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm áp lực đầu tư nguồn điện lên ngành điện, đem lại nguồn lợi lớn cho các nhà máy này.
Các nhà máy xi măng cũng không ngoại lệ. Tiêu tốn nhiều điện, việc tận dụng nhiệt dư để tự chủ một phần sản xuất điện cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các nhà máy xi măng.
Theo Quyết định số 56/QĐ-TTg, ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 thì đến hết năm 2025, có 100% các dây chuyền sản xuất xi măng công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Đi cùng với tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, các nhà máy xi măng cũng cần đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường và phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Sản xuất thép là lĩnh vực tiêu tốn năng lượng. Ảnh: Lương Bằng |
Tại Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành, năm 2020, sản lượng điện sản xuất của nhà máy phát điện nhiệt dư đạt 160 triệu kW. Sau hơn một năm hoạt động nhà máy phát điện tận dụng nhiệt dư vận hành ổn định và khẳng định hiệu quả rõ rệt. Lợi ích lớn nhất là lượng điện tự sản xuất ra đã đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu sử dụng điện năng cho toàn bộ nhà máy, góp phần làm giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Năm 2017, Tập đoàn Thành Thắng xây dựng nhà máy phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại dây chuyền sản xuất xi măng số 2, với công suất thiết kế là 7,5 MW. Đến năm 2019, Tập đoàn Thành Thắng tiếp tục xây dựng nhà máy phát điện nhiệt dư tại dây chuyền sản xuất xi măng số 3 cùng có công suất 7,5 MW. Hiện nay, tính chung cả 2 nhà máy mỗi ngày sản xuất được 160.000 kW. Sau 3 năm vận hành phát điện, đến nay những người thợ của xi măng Thành Thắng đã hoàn toàn làm chủ công nghệ tận dụng nhiệt dư. Cả hai nhà máy phát điện tận dụng nhiệt khí thải đều chạy đạt công suất thiết kế. Trong năm 2020, giá trị sản lượng điện sản xuất từ tận dụng nhiệt khí thải đạt 190 tỷ đồng.
Công nghiệp hiện đang là ngành kinh tế tiêu thụ năng lượng cũng như điện lớn nhất. Điều này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới, trong bối cảnh Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa. Có thể nói sự gia tăng năng lượng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong những năm trước đây là mối lo lắng của các nhà làm chính sách Việt Nam. Bởi vậy, đã có rất nhiều chương trình và dự án về hiệu suất năng lượng công nghiệp được thực hiện trong một thời gian dài, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhiều tổ chức quốc tế.
Việc tận dụng nhiệt thải trong sản xuất xi măng, thép như trên để sản xuất điện là một trong những giải pháp tối ưu song lại đòi hỏi chi phí tương đối lớn. Do đó, nếu có những chính sách mang tính khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện điều này sẽ góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện. Đồng thời, cần chú ý đến việc áp dụng công nghệ mới thay thế cho công nghệ cũ, ví dụ xi măng lò đứng thay bằng lò quay, lò gạch thủ công thay bằng lò gạch kiểu đứng... Việc lựa chọn công nghệ mới chắc chắn sẽ đem lại tính cạnh tranh cho sản phẩm cao hơn, thông qua giảm chi phí nhiên liệu, tăng sản lượng và đáp ứng được các yêu cầu môi trường ngày càng khắt khe.
Phan Thân - Hải Nam
Ảnh: Lương Bằng