- Rất nhiều vụ lừa đảo đã xảy ra trên các thị trường chứng khoán, không ít các “đại gia” đã vào tù. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cuối cùng vẫn là người chịu thiệt và hầu như không đòi được những gì đã mất.
Những nỗi đau ngàn tỷ
Thông tin từ CTCP Mỏ và XNK khoáng sản miền Trung (MTM) cho biết, ông Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT MTM đã bị bắt tạm giam vào chiều ngày 19/9 vì có dấu hiệu lừa đảo các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Trước đó, giữa tháng 4/2016, 31 triệu cổ phiếu MTM chính thức được giao dịch tại hệ thống giao dịch UPCoM của HNX với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đã trở thành “hàng nóng” với cú tăng trần 40% lên 14.700 đồng/cp.
Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu này đã giảm sàn liên tiếp, bốc hơi 80% giá trị xuống còn 2.600 đồng/cổ phiếu và bị tạm ngưng giao dịch từ ngày 20/6 do có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh. Nhiều NĐT bàng hoàng, mất tiền vì 1 DN “ma”.
Ngay trước khi lên sàn, đã có tin MTM ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Cổng tra cứu thông tin người nộp thuế của Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cũng xác nhận người nộp thuế tại địa chỉ đăng ký của MTM đã ngừng hoạt động.
Nhiều đại gia chứng khoán rơi vào vòng lao lý. |
Trên thực tế, trụ sở của DN tại địa chỉ số 60 Nguyễn Tuấn Thiện (P.Lê Mao, TP. Vinh, Nghệ An) không có biển hiệu DN bên ngoài, thay vào đó là một quán nhậu bò né. Trong khi đó, chi nhánh Núi Trúc là tòa nhà của một phòng khám tư nhân, không có dấu hiệu hoạt động của MTM.
Lo ngại tăng lên khi các NĐT không thể liên lạc được với lãnh đạo DN, cả ở trụ sở tại Nghệ An và chi nhánh trên phố Núi Trúc (Hà Nội). Vào thời điểm đó, thông tin công bố cho thấy, HĐQT cùng ban lãnh đạo không nắm giữ cổ phiếu. DN không có cổ đông lớn, toàn cổ đông nhỏ lẻ.
Cho đến nay, MTM cũng chưa thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ của mình như báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2015, BCTC quý I/2016…
Với những diễn biến nói trên, nhiều NĐT lo lắng sẽ không thể lấy lại được số tiền đã đổ vào cổ phiếu này. Cơ quan chức năng đã vào cuộc, người đứng đầu DN đã bị bắt nhưng thiệt hại của NĐT thì không biết có được đền bù hay không?
Cách đây khoảng 2 năm, một Việt kiều Mỹ cũng đã dự định thực hiện cú lừa đảo bán một cổ phiếu chưa hề xuất hiện trên thị trường để chiếm đoạt cả ngàn tỷ đồng nhưng đã bị Công an TP.Hải Phòng kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Trên thị trường tài chính, giới đầu tư chứng khoán có lẽ không thể quên vụ siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như cách đây 5 năm. Đây là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử hệ thống tài chính Việt Nam với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 5 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, lịch sử chứng khoán thế giới không thể quên vụ lừa đảo thế kỷ của "siêu lừa" Bernie Madoff gây chấn động toàn cầu với số tiền thiệt hại lên tới 65 tỷ USD: một hình thức lừa đảo Ponzi, mượn danh nghĩa đầu tư để đi vay tiền với lãi suất cao, nhưng thực tế chỉ là lấy tiền của người sau để trả lãi cho người đến trước.
Ai đền bù cho các NĐT?
Cú thao túng giá cổ phiếu của nguyên chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty Dược phẩm Viễn Đông (DVD) Lê Văn Dũng cũng đã khiến “đại gia” này nhận án 4 năm tù. Các giao dịch khiến giá cổ phiếu cũng như tính thanh khoản tăng cao để tạo giá trị ảo cho cổ phiếu DVD nhằm thu hút NĐT.
Sự minh bạch và chất lượng cổ phiếu là các vấn đề nan giải trên TTCK. |
Lịch sử TTCK thế giới hình thành trong nhiều trăm năm đã vẽ ra những giấc mơ tỷ phú cho biết bao người. Không ít người thành công nhờ vào dựa vào TTCK, nhưng cũng có nhiều người ăn quả đắng, tán gia bại sản vì cổ phiếu lao dốc hoặc/và bị lừa đảo.
Trong vụ Madoff, siêu lừa này đã nhận án 150 năm tù. Con trai Madoff sau đó 1 năm treo cổ tự sát. Tuy nhiên, cho đến nay phần lớn các nạn nhân trong vụ án vẫn chưa nhận lại được tiền. Một số được bồi thường rất ít.
Trong hàng chục năm, Madoff đã vào vai nhà đầu tư tài giỏi một cách xuất sắc cho dù trên thực tế ông ta chả đầu tư đồng nào. Madoff lấy được niềm tin của các NĐT là nhờ vào vị thế cựu Chủ tịch sàn giao dịch Nasdaq, chủ một DN đầu tư chứng khoán và một quỹ quản lý đầu tư… và vì đưa ra lãi suất hấp dẫn.
Trong vụ Huyền Như, nhiều NĐT bị lừa cũng một phần do nhìn vào cái lợi của lãi suất cao. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp các NĐT bị lừa vì tin vào những con số trên sổ sách mà các DN báo cáo. Họ tin vào DN, tin vào những cơ quan quản lý thị trường.
Không ít NĐT ngã ngửa sau khi đón nhận thông tin về công ty “ma” MTM. Nhiều người giật mình vì câu chuyện lạ lùng ở Việt Nam: Công ty đã ngừng hoạt động vẫn cho “lên sàn bán giấy”. Sự ngừng giao dịch đột ngột sau 2 tháng lên sàn đã khiến không ít người nghĩ tới khả năng có hiện tượng chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng của NĐT .
Vụ MTM có thể sắp sáng rõ. Công an đã vào cuộc. Một số NĐT có thể vui mừng vì đơn tố cáo của mình đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, việc bồi thường, đền bù thiệt hại… từ số tiền thua lỗ, tiền thuế, tiền phí giao dịch… có lẽ lại sẽ là một câu chuyện khó có hồi kết giống như vụ siêu lừa Madoff.
Sau mỗi vụ lừa đảo, rất có thể sẽ có những “đại gia” vào tù. Trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về DN. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý có lẽ cũng cần phải được đặt ra vì một thị trường lành mạnh cần phải có những cơ chế để bảo vệ các NĐT.
M. Hà