Huyện Tân Uyên (Lai Châu) hiện có trên 3.300 ha chè. Đây cũng là cây trồng mũi nhọn của huyện trong nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, trên địa bàn. Các phòng chuyên môn cùng các địa phương trong huyện Tân Uyên đã tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh, thực hiện việc sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

Tại xã Mường Khoa, bám sát đề án của tỉnh Lai Châu về phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đưa cây chè vào trồng, phát triển góp phần tăng thu nhập cho nhân dân và giảm nghèo bền vững.

Bà con nhân dân xã Mường Khoa được cán bộ chuyên môn của huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân đến trồng, chăm sóc. Nhờ đó, nhận thức người dân về cây chè được nâng cao, tiến tới xóa bỏ tập quán canh tác cũ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững. 

Ngay trong vụ chè xuân 2024, người dân Tân Uyên đã thu hái được trên trên 130 tấn chè tươi. Ngay sau lứa chè xuân này, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền cho bà con chăm sóc, phòng chống sâu bệnh để đảm bảo vụ tiếp theo.

Thu nhập từ chè giúp người dân không chỉ xây dựng nhà ở khang trang, tự giải quyết chiều thiếu hụt về nhà ở, việc làm, mà còn chăm lo sức khoẻ, giáo dục, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi.

Đơn cử tại xã Phúc Khoa, đầu năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm về còn dưới 10%, với 39 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo. Kết quả này có được nhờ xã lồng ghép linh phí các hoạt động, kinh phí từ các chương trình MTQG, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, giúp người dân vươn lên từ cây chè và các cây trồng khác. Người dân được tạo điều kiện tiếp cận các chiều dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở...

Thực hiện công tác giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, huyện Tân Uyên (Lai Châu) đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung. Ngoài chè, nhiều mô hình sinh kế khác cũng được người dân nghèo nơi đây hưởng ứng nhiệt tình. 

xã Hố Mít, nhiều người dân được định hướng tập trung nuôi ong lấy mật. Năm 2024, toàn xã có hơn 3.000 thùng ong. Anh Lù A Chính, bản Mít Nọi, xã Hố Mít, cho hay gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 15 thùng ong, giá bán giao động từ 180.000-250.000 đồng/lít.

Nuôi ong lấy mật dẫu vất vả nhưng mỗi tháng đem lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 6-7 triệu đồng, cũng là mức ổn định đối với gia đình từng loay hoay tìm sinh kế thoát nghèo như gia đình anh.

W-giam ngheo di hoc mien nui.jpg
Thu nhập từ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao giúp các gia đình có điều kiện để cho con em được đến trường đúng độ tuổi.

Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Uyên là 7,55%. 6 tháng đầu năm 2024, đã có 36 người ở Tân Uyên đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, đóng góp vào tiến trình giảm nghèo của địa phương. Xác định giảm nghèo đa chiều không chỉ tập trung tăng thu nhập cho người dân nghèo, Tân Uyên chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định, lựa chọn các loại hình nghề nghiệp phù hợp điều kiện, nhu cầu của người dân và định hướng phát triển KT-XH của huyện.

Anh Hoàng Văn Xuân, ở bản Pá Xôm, xã Trung Đồng có niềm đam mê nuôi ong từ trước nhưng lại hạn chế hiểu biết về kỹ thuật nuôi ong. Anh quyết định đăng ký theo học nghề nuôi ong do Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tân Uyên mở.

Khoá học kéo dài hơn một tháng giúp anh Xuân nắm vững các nội dung, quy trình kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong lấy mật. Được học nghề, thêm đam mê, anh Xuân quyết tâm đầu tư nuôi ong tại vườn của gia đình, với mong muốn phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế.

Cũng như anh Xuân, hàng trăm lao động nông thôn tại Tân Uyên đã tham gia hàng chục lớp đào tạo nghề nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở trong thời gian qua. Các lớp học tập trung vào đào tạo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh leo, trồng rau an toàn, nuôi ong lấy mật, trồng tre lấy măng, nuôi trồng thủy sản, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn và trồng cây ăn quả.

Được đào tạo nghề, lao động nông thôn nói chung và thuộc các hộ nghèo, cận nghèo nói riêng, hiểu được giá trị cốt lõi của giảm nghèo phải từ việc nâng cao trình độ, đề cao học tập, từ đó chuyển đổi suy nghĩ, cách làm, thêm ý chí vươn lên thoát nghèo.