Giúp các em tham gia giao thông an toàn 

Ngày 11/9, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phối hợp với Học viện Cảnh sát Nhân dân tổ chức chương trình “Tuyên truyền phổ biến về trật tự an toàn giao thông và phòng chống ma túy học đường”. Hoạt động nhằm góp phần xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh, an toàn

Tại buổi sinh hoạt dưới cờ, giảng viên Học viện Cảnh sát Nhân dân đã chia sẻ về những kiến thức giúp các bạn học sinh tham gia giao thông một cách an toàn. 

Ngoài ra, báo cáo viên còn đặt ra những câu hỏi tình huống giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu những kiến thức bổ ích về luật An toàn giao thông và cách sử dụng phương tiện giao thông tới trường đảm bảo an toàn. Không chỉ đơn thuần lắng nghe và tiếp nhận thông tin mà học sinh còn được trực tiếp xử lí các tình huống thực tế khi tham gia giao thông hàng ngày.

Giờ chào cờ với chủ đề “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phòng chống ma túy học đường” đã giúp học sinh trường Nguyễn Tất Thành nhận thức rõ hơn về tác hại, hậu quả của ma túy học đường và hiểu được tầm quan trọng khi chấp hành nghiêm túc luật An toàn giao thông. 

Học sinh Nguyễn Trần Nam Kh. cho biết, thông qua buổi sinh hoạt, các em có thể vận dụng các kiến thức bổ ích để xử lí kịp thời, hiệu quả các tình huống thực tế trong cuộc sống, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Thực tế, số lượng học sinh sử dụng phương tiện cá nhân để tham gia giao thông đang ngày càng tăng cao. Trong đó, xe máy là một lựa chọn khá phổ biến. Từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ TNGT liên quan đến học sinh sinh viên.

Theo quy định, trẻ em từ 16-18 tuổi được phép sử dụng phương tiện dưới 50 phân khối mà không cần bằng lái xe. Tuy nhiên, với vận tốc có thể đạt tới 50km/h, nguy cơ cũng như hậu quả khi xảy ra tai nạn của những loại phương tiện này sẽ không kém gì xe máy thông thường.

Báo động học sinh sử dụng ma tuý 

Trong khi đó, tình trạng học sinh sử dụng chất cấm bị các lực lượng chức năng phát hiện không hiếm gặp. Số liệu từ Bộ Công an nêu rõ,  trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, trong đó khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Cá biệt, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Nhận thức rõ đây là “mối nguy hiểm” đối với lứa tuổi học đường, trường THPT Nguyễn Tất Thành cũng đã lồng ghép nội dung phòng chống ma tuý trong buổi sinh hoạt dưới cờ diễn ra hôm 11/9 vừa qua.

Theo đó, các báo cáo viên cũng truyền tải tới học sinh nhiều kiến thức, kĩ năng nhận diện các loại ma túy học đường như qua vitamin, kẹo,... và cách thức phòng chống tệ nạn này. 

Theo các chuyên gia, tác hại của ma túy đối với những người sử dụng, đặc biệt với những đối tượng mới bắt đầu tiếp cận thứ “thuốc bùa mê” này cũng được nêu rõ: ma túy có khả năng làm suy giảm hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, làm suy gan, gây bệnh về da,…

Trước đó, trao đổi với báo chí, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra cảnh báo, Trung tâm đã tiếp nhận, điều trị các trường hợp là học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử; bánh, kẹo, nước giải khát... có chứa ma túy.

Trong đó, có một số trường hợp là học sinh tỉnh Yên Bái. Các em nhập viện sau khi hút thuốc lá điện tử có hương vị lạ. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho thấy, trong thuốc lá điện tử chứa chất ma túy mới chưa có tên trong danh mục chất gây nghiện. Hoạt chất này gây loạn thần, có thể dẫn tới ngộ độc, tử vong nhanh chóng đối với người sử dụng.

Được biết, để ngăn chặn tội phạm ma túy trong trường học, Bộ GD&ÐT cũng đã ban hành bộ tài liệu mang tính chuyên sâu về kỹ năng phòng ngừa, nhận biết các nguy cơ, tình huống không an toàn với ma túy. Ðây là một việc làm kịp thời trong bối cảnh các loại tội phạm về ma túy đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. 

Ngọc Trang và nhóm PV, BTV