Nỗ lực giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn
Trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước từ cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực chưa từng có, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng.Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng.
Cụ thể, đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng cho vay.
Và, còn có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, cà phê...
Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Vẫn còn một số điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ
Đánh giá cao những chính sách hỗ trợ, nhưng TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, vẫn còn một số điểm nghẽn tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả. DN khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa.
"Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số DN được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ quỹ", bà Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Bên cạnh đó, vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, quy hoạch, tài nguyên môi trường, xây dựng... Đây là bất cập lớn được hầu hết các địa phương phản ánh. Ngoài ra, rào cản đăng ký kinh doanh cũng rất phổ biến.
Dẫn chứng thêm về khó khăn của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong khi Chính phủ và NHNN quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống, thì ở đâu đó, ở nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí kinh doanh tăng lên. Nếu một doanh nghiệp xuất khẩu mà đọng vốn hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Đây không phải là trường hợp hy hữu của một vài doanh nghiệp, mà rất nhiều ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng xuất khẩu, như nông sản. Hiện tại, tốc độ của quyết định hành chính quá chậm so với quyết định kinh doanh. Rất nhiều dự án đầu tư kéo dài hàng năm trời, nhiều nhà máy chưa thể đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch vì trục trặc ở khâu này, khó ở khâu khác", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng phải đảm bảo an toàn tài chính tín dụng
Trước những thách thức hiện nay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, khó khăn còn kéo dài và không ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, cần sự đồng bộ, thực thi trong quá trình triển khai chính sách.
Cụ thể như, với thị trường bất động sản chủ yếu là khó khăn về mặt pháp lý. Bất động sản và ngân hàng ngồi chung trên một chiếc thuyền. Bởi vốn của bất động sản hầu hết của ngân hàng, không có nghĩa bất động sản khó khăn là do ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, ngân hàng cũng đã tìm mọi cách, bởi lĩnh vực này là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế.
“Chúng ta phải nhận diện đúng điểm nghẽn để có để tháo gỡ khó khăn hiện nay, nhưng cũng cần bình tĩnh để chia sẻ với Chính phủ, các bộ, ngành lúc này, vì chính sách đã rất quyết liệt, hàng ngày hàng giờ, mục tiêu cuối cùng là để nền kinh tế không trầm lắng, giải quyết được an sinh xã hội.” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ điều hành vĩ mô, nhiệm vụ thường xuyên của ngân hàng phải điều tiết tiền tệ, bảo đảm mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. "Tuy nhiều lúc có ngược chiều nhau nhưng những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hai mục tiêu này vẫn được bảo đảm", Phó Thống đốc nói.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng cũng không thể không kiểm soát an toàn của tài chính tín dụng, vì đây là vấn đề an toàn, an ninh của tài chính quốc gia.