Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”: mỗi năm, 100% học sinh Tiểu học dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục phổ thông một cách tốt nhất.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. Đề án được áp dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số.
Mục tiêu cụ thể Đề án: đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi Mẫu giáo được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; mỗi năm, 100% học sinh Tiểu học dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục phổ thông một cách tốt nhất.
Tại một số địa phương đề án được thực hiện tích cực, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và phụ huynh về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
Như tại Bình Thuận, đến nay có gần 5.000 học sinh mầm non dân tộc thiểu số đến trường đã được tăng cường tiếng Việt. Hầu hết, các em đều có khả năng nắm bắt ngôn ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức cơ bản để bước vào lớp 1.
Đối với bậc tiểu học, hiện có hơn 10 nghìn học sinh dân tộc thiểu số đến trường. Năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 có nhiều tiến bộ hơn. Đa số các em có khả năng nói, nghe hiểu để giao tiếp trong sinh hoạt và đáp ứng yêu cầu học tập.
Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn kiến thức kỹ năng môn tiếng Việt cấp tiểu học và sẵn sàng học lên trung học cơ sở.
Còn tại Đồng Nai, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh huy động ít nhất 25% trẻ em người dân tộc thiểu số độ tuổi nhà trẻ ra lớp; 65% trẻ em người dân tộc thiểu số độ tuổi mẫu giáo ra lớp; trong đó 100% trẻ em dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường Tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. 100% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo có thể trao đổi, giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt một cách thành thạo trên cơ sở vẫn bảo tồn được tiếng mẹ đẻ.
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Đồng Nai có ít nhất 40% trẻ em người dân tộc thiểu số độ tuổi nhà trẻ, 85% trẻ em người dân tộc thiểu số độ tuổi mẫu giáo trong toàn tỉnh ra lớp. Trong đó, đảm bảo 100% trẻ em dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.
Bên cạnh đó, huy động 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số ra lớp đúng độ tuổi; hằng năm 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt. 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học dạy vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt. 100% các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có học sinh cần tăng cường tiếng Việt được bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu, phần mềm phục vụ dạy học.
Diệu An - Ngọc Trâm