Điều đáng tiếc rằng người dân, những người trực tiếp tham gia vào BHYT, lại không có nhiều cơ hội để tham gia quá trình làm luật, xây dựng chính sách. Bài học gần đây về điều 60 BHXH, có vẻ đang được lặp lại.

Rất nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) bày tỏ sự bức xúc khi vừa vào năm học mới, họ được nhà trường thông báo về việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng học sinh, sinh viên là gần 540.000 đồng (cho toàn năm học). Trong nhiều trường hợp, số tiền này còn cao hơn cả số tiền học phí một trường phổ thông hoặc đại học công lập. Điều đáng nói, số tiền này được cho là cao hơn rất nhiều so với năm học trước, khiến cho các PHHS lâm vào thế bị động.

Khi được chất vấn, đại diện các trường giải thích rằng do Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi năm 2014 có hiệu lực khiến cho mức đóng quỹ BHYT của đối tượng là học sinh – sinh viên (HSSV) tăng từ 3% lương cơ bản lên thành 4,5% lương cơ bản trong năm học 2015-16. Đồng thời, riêng trong niên khóa 2015-16, HSSV phải đóng góp tổng cộng là 15 tháng so với 12 tháng như thông thường, do sự chênh lệch thời gian của luật cũ và luật mới.

Trong một phỏng vấn mới đây do Vietnamnet thực hiện, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khương giải thích:

“Bảo hiểm y tế mang tính san sẻ cộng đồng rất lớn. Thế thì chúng ta huy động của những người trẻ để hỗ trợ cho những người già, huy động của những người khoẻ để hỗ trợ cho những người đau yếu. Nếu tính cân đối trên bình diện riêng của khối học sinh sinh viên tham gia thì đúng là quỹ bảo hiểm y tế của học sinh sinh viên chi không hết. Nhưng trong khi đó, người già, nhất là các bác đã về hưu, quỹ tính riêng cho các bác về hưu bị thâm hụt rất nhiều. Vì vậy, ta đang huy động của người trẻ là các cháu học sinh, sinh viên để hỗ trợ cho những người già yếu.”

Phát biểu này của ông Khương gây nhiều dư luận trái chiều. Trong đó, phần lớn ý kiến từ phía người dân thắc mắc về tính công bằng của việc sử dụng nguồn đóng góp của đối tượng trẻ tuổi để phục vụ nhu cầu của đối tượng lớn tuổi hơn. Nhiều người còn ví von đây là hình thức “lấy măng để nuôi tre”, khá bất hợp lý.

{keywords}

 Chờ thanh toán BHYT. Ảnh: L.H/ Báo Lao động

Từ việc thiếu minh bạch trong quản lý quỹ…

Nói cho công bằng, phát ngôn của ông Khương phần nào đó là đúng với quy định pháp luật hiện hành. Tại Việt Nam hiện nay, quy định của văn bản hợp nhất Luật BHYT có nêu rõ nguyên tắc quỹ BHYT được quản lý “tập trung, thống nhất”[1]. Điều này có nghĩa rằng mọi nguồn thu BHYT của mọi đối tượng sẽ được sử dụng chung cho tất cả những ai tham gia BHYT mà không có phân biệt.

Nguyên tắc chi BHYT cũng được quy định cụ thể. Việc chi BHYT không theo nguyên tắc bình đẳng, mà một số đối tượng sẽ được chi nhiều hơn các đối tượng khác khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ngoài ra, có một số đối tượng đặc biệt như người có công với cách mạng, đại biểu Quốc hội, trẻ em dưới 6 tuổi… thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ toàn bộ tiền đóng góp BHYT, một số khác thì được hỗ trợ một phần, một số khác thì phải chi trả toàn bộ.

HSSV là đối tượng được ngân sách hỗ trợ một phần. Theo luật cũ trước năm 2015, đối tượng này phải đóng quỹ với số tiền là 6% theo mức lương cơ bản, trong đó 3% được ngân sách hỗ trợ. Sau khi Luật BHYT sửa đổi, con số 6% vẫn giữ nguyên. Nhưng khi Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015, mức hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng HSSV từ 3% xuống còn 1,5%. Vì vậy, mới xảy ra trường hợp tưởng chừng như mức đóng BHYT cho HSSV tăng, nhưng thực ra chỉ là mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước giảm.

Chính vì thế, việc ông Khương cho rằng BHYT mang tính san sẻ, cộng đồng, người khỏe hỗ trợ người đau yếu là đúng với quy định pháp luật hiện hành. Tuy vậy, ông Khương có lẽ đã nhầm lẫn khi thông tin rằng trên thực tế có sự phân chia quỹ bảo hiểm y tế của HSSV, và quỹ tính riêng cho các bác về hưu. Nếu thực sự có sự phân chia này thì e rằng nó không phù hợp với nguyên tắc thống nhất quản lý như nêu trên. Mặt khác, nó cũng sẽ làm nổi lên một câu hỏi rằng việc chuyển tiền từ quỹ nhỏ này sang quỹ nhỏ khác là theo cơ chế nào? Nếu trong năm học 2015-16, nhu cầu sử dụng quỹ cho HSSV cao thì BHXH Việt Nam sẽ xử lý ra sao?

Còn ngược lại, nếu những thông tin ông Khương đưa ra chỉ mang tính ước lượng thì sẽ lại càng rắc rối. Bởi lẽ, nó sẽ chứng minh một điều việc quản lý và sử dụng quỹ hiện nay là đang không hiệu quả, dẫn đến nguồn quỹ không đảm bảo và BHXH Việt Nam đang tìm cách tăng nguồn thu. Còn nhớ trong năm 2013 và 2014, BHXH Việt Nam đã thông báo mất trắng hàng ngàn tỷ đồng vì đầu tư không hiệu quả.[2]

Cho nên, trước khi quyết định tăng thu, BHXH Việt Nam cần thiết phải công khai, minh bạch việc quản lý và sử dụng các nguồn thu của BHYT, có bao nhiêu quỹ con trong quỹ chung, và việc đầu tư tiền từ quỹ BHYT được thực hiện như thế nào. Mặt khác, báo cáo kiểm toán nhà nước tuy đc quy định phải công khai nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều điều phải bàn.

…đến vai trò tham gia của người dân

Bên cạnh việc quản lý quỹ có phần thiếu minh bạch kể trên, câu hỏi đặt ra là liệu người dân đã thực sự tham gia hiệu quả vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến BHYT nói riêng và BHXH nói chung chưa?

Cần phải xác định rõ rằng BHYT không phải là một loại thuế, mà là một loại bảo hiểm. Nguyên tắc của bảo hiểm tức là người được bảo hiểm bỏ ra một số tiền để khi rủi ro cho họ xảy ra, họ có được số tiền cụ thể để trang trải. Nghĩa là, cho dù là bảo hiểm mang tính xã hội hay bắt buộc, đây cũng là một dạng dịch vụ và mọi công dân đều phải được đối xử công bằng.

Việc kiến tạo bình đẳng trong thu nhập và phân phối nguồn lợi xã hội là trách nhiệm của ngành thuế chứ không phải là của ngành bảo hiểm xã hội. Ngay cả những quốc gia có truyền thống BHYT lâu đời như Đức cũng đi theo nguyên tắc này. Thế nhưng, đáng tiếc rằng sau nhiều lần sửa đổi, quan điểm về BHYT của Việt Nam vẫn mang màu sắc lấy tiền của đối tượng bình thường để chăm lo cho các đối tượng “chính sách”. Điều đáng tiếc rằng người dân, những người trực tiếp tham gia vào BHYT, lại không có nhiều cơ hội để tham gia quá trình làm luật, xây dựng chính sách.

Hệ quả là chỉ khi luật đã được Quốc hội thông qua, ban hành, nghị định ra đời, thông tư liên tịch cũng đã thông qua với các quy định rõ ràng, người dân vẫn không biết được quyền và nghĩa vụ của mình. Cho đến khi nghĩa vụ tài chính xuất hiện người dân mới biết là có quy định như thế và tìm cách phản ánh ý kiến. Bài học gần đây về điều 60 BHXH, có vẻ đang được lặp lại.

Tóm lại, một bài học lớn cần được rút ra từ chính quyền đó là nghĩa vụ công khai, minh bạch các khoản thu, chi, hỗ trợ, và đầu tư các nguồn đóng góp từ dân để giải quyết tình trạng mập mờ, sử dụng nguồn thu này cho đối tượng khác như trường hợp BHYT.

Còn đối với người dân, việc tham gia và hiểu biết quyền của mình là điều bắt buộc. Bởi lẽ, một chính sách đúng đắn, công bằng, phải do chính người dân tham gia xây dựng từ khi còn phôi thai, chứ không phải là những quy định nay được đưa ra thì mai lại phải sửa đổi bởi dư luận xã hội.

Lê Nguyễn Duy Hậu 

--------

[1] Điều 3.5, Văn bản hợp nhất Luật Bảo hiểm Y tế
[2] Quỹ Bảo hiểm xã hội: Coi như mất trắng 1.052 tỉ đồng!, Lao động, 25/04/2014.