Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số thì yêu cầu cấp bách là nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin, an toàn an ninh mạng cùng với việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và tăng cường các nguồn lực tài chính.
Tuy nhiên, hiện đang diễn ra tình trạng nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực này dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do tiền lương và thu nhập của khu vực công còn thấp so với khu vực tư.
Trong bối cảnh hiện nay, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ công nhân viên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu cuộc sống thì việc xây dựng chế độ riêng cho những người làm công nghệ thông tin cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Vì vậy, để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khuyến khích, động viên đội ngũ người làm chuyên trách công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, an toàn thông tin trong khu vực công thì việc xây dựng chính sách hỗ trợ tại thời điểm hiện nay nhằm thu hút và "giữ chân" đối với các đối tượng này là rất cần thiết.
Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, một trong những nhóm giải pháp là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số, người làm công tác chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng có Công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, với nội dung: "Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành".
Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 có quy định "Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội".
Vì vậy, nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn về nguồn nhân lực và khuyến khích, thu hút người có trình độ, chuyên môn công nghệ thông tin, dự thảo Nghị định chỉ quy định mức hỗ trợ bằng mức tiền tuyệt đối, không gắn với mức lương cơ sở hoặc mức lương hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức.
Để phù hợp với thực tiễn quản lý cán bộ, công chức, viên chức và sự tương quan trong việc quy định chế độ hỗ trợ, ưu đãi, dự thảo quy định thời gian không được tính hưởng chế độ hỗ trợ. Cụ thể: Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ công tác từ 1 tháng trở lên; Thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, học tập, làm việc mà không trực tiếp làm công tác chuyển đổi số và quản trị hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin liên tục từ 1 tháng trở lên.
Việc xác định người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
Bộ Nội vụ đề xuất thời gian trình Chính phủ xem xét, thông qua đối với Nghị định là tháng 10/2023.