HTX Nông nghiệp Duy Hòa II (xã Duy Hoà, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) tham gia chương trình mỗi huyện một hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa từ năm 2019 và bắt đầu thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. HTX này đã liên kết với nông dân và doanh nghiệp triển khai sản xuất lúa giống trên diện tích hơn 100ha, sau đó mở rộng sang trồng dâu nuôi tằm, trồng sen.

Với liên kết sản xuất lúa giống, HTX lo hết đầu vào và đầu ra cho bà con. Hiệu quả chuyển biến thấy rõ khi sản lượng tăng 10-20%, giá bán cao hơn 1-2 nghìn đồng/kg so với lúa thương phẩm trên thị trường.

Với liên kết chuỗi giá trị cây sen, HTX đã ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; phối hợp định kỳ kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất và phòng trừ sâu bệnh cho xã viên. Theo đó, 6 hộ tham gia trồng sen trên diện tích 117.000m2, năng suất bình quân đạt 110kg/sào. Với giá bán 35 nghìn đồng/kg, mỗi sào cho thu nhập hơn 3,8 triệu đồng, cao gấp 2,2 - 2,5 lần so với một sào lúa. 

HTX Nông nghiệp Duy Hòa II chỉ là một trong số rất nhiều HTX tiêu biểu như Đại Hiệp (Đại Lộc), Điện Phước 1 (Điện Bàn), Duy Sơn (Duy Xuyên), Bình Đào, Bình Nam (Thăng Bình)… xây dựng được các chuỗi giá trị sản xuất theo hướng bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên.

trong rau trong nha luoi 2.jpg
Mô hình trồng rau trong nhà lưới.

Theo Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, tính đến đầu tháng 11/2023, trên địa bàn Quảng Nam có tổng cộng 625 HTX và 1 liên hiệp HTX. Trong đó có 408 HTX nông nghiệp, 33 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 131 HTX thương mại - dịch vụ... 

Trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19, hầu hết HTX nông nghiệp của tỉnh tập trung đáp ứng các dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thành viên, nông hộ, đổi mới phương thức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh... Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi giá trị và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. 

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua các HTX nông nghiệp đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên và từng bước khắc phục một số mặt hạn chế của kinh tế hộ… góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như các chương trình OCOP, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 50% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp trên toàn tỉnh; xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX nông nghiệp đạt từ 5 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương, ngành hàng.

Bên cạnh đó, mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động từ 30% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX nông nghiệp; Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%; doanh thu tăng ít nhất 5%/năm; khoảng 30% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trên 30% chủ thể là HTX nông nghiệp có sản phẩm đăng ký chương trình OCOP; hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu này cần xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương. Mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và quản lý HTX; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, phân loại, sơ chế và tổ chức cung cấp dịch vụ logistics của HTX nông nghiệp.

Vân Anh và nhóm PV, BTV