Tình trạng xâm hại trẻ em gần đây vẫn diễn biến phức tạp thể hiện qua nhiều vụ bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục gây bức xúc dư luận xã hội. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2020 đến hết tháng 9/2023, cả nước phát hiện gần 7.500 vụ, 8.800 đối tượng xâm hại hơn 7.800 trẻ em. Đáng chú ý, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới hơn 80%.

Đối tượng xâm hại thường lợi dụng mối quan hệ lệ thuộc về gia đình, mối quan hệ gần gũi, quen biết với trẻ em hoặc lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt hoặc gây sức ép đối với trẻ em để thực hiện hành vi.

tre em - thienduong, hoàng long.png
TP.Hà Nội đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền trẻ em, chính sách về bảo vệ trẻ em.

Hà Nội có hơn 1,9 triệu trẻ em, trong đó có 12.765 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 30.501 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Thành phố liên tục tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa xâm hại, tai nạn, thương tích, bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp, mô hình hoạt động để xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em cũng được triển khai, song song với các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, trường học, cộng đồng, xã hội...

Đến nay, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau. 100% trẻ em trong các vụ việc bạo hành, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em được quan tâm tư vấn hỗ trợ, ổn định về tâm lý và hòa nhập cộng đồng.

Để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong thời gian tiếp theo, TP.Hà Nội đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền trẻ em, chính sách về bảo vệ trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp.

Mỗi gia đình cũng được tuyên truyền để tạo ra môi trường sống hạnh phúc, an toàn, tránh gây áp lực cho con trẻ. Mỗi cơ sở giáo dục cần tạo không khí để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh gây áp lực học hành cho học sinh. Cộng đồng, xã hội cũng cần nâng cao trách nhiệm, yêu thương với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.