Lên đại học, tôi mới hiểu ý nghĩa của từ Công dân, đó là con người đặt trong mối quan hệ với nhà nước, nghĩa là con người được bao bọc bởi pháp luật.
Chuyện về những kẻ “may mắn”
Suốt quãng đời đi học, từ lớn đến bé, kỷ niệm mà chúng tôi nhớ nhất để kể lại là những lần đánh nhau. Tiểu học bị đánh, phản ứng của tôi: tao sẽ về gọi bố tao ra đánh lại mày! Trung học cơ sở bị đánh: tao sẽ gọi bọn lớp tao, anh tao, chặn đường đánh lại mày! Trung học phổ thông: tao sẽ gọi một hội đầu gấu về đánh lại mày!
Và quả thật, đến những năm cấp 3, chúng tôi cũng có một hội kiểu như “Quân khu Nam Đồng”, đánh nhau mà không sợ bất cứ thứ gì. Tội lỗi sẽ thống nhất đổ lên đầu một đứa trong nhóm, bố là lãnh đạo tỉnh, có lần đến phát biểu ở trường mà thầy hiệu trưởng còn phải lễ phép bắt tay.
Và cứ như thế, hình như càng lớn lên, càng được giáo dục, chúng tôi lại càng hung hăng hơn, lại càng biết cách ỷ thế, cậy mình hơn.
Nhưng chúng tôi vẫn còn là những kẻ “may mắn”. Thỉnh thoảng tôi đọc được trên báo những vụ học sinh đánh nhau dã man, thậm chí dẫn đến án mạng, vì mâu thuẫn trong trường, lớp. Những vụ việc đó dường như không mấy khác những thứ mà chúng tôi đã làm. Hồi đó, nếu chỉ thêm một chút “anh hùng”, một chút liều mình, có lẽ nhân vật “được” lên báo sẽ là bất kỳ đứa nào trong số chúng tôi.
Các nam sinh lớp 9 ẩu đả như giang hồ. Ảnh chụp từ clip/ VnExpress |
Lớn hơn một chút, khi người lớn bắt đầu nói về chuyện phải giáo dục giới tính cho chúng tôi (mặc dù chúng tôi đã tự giáo dục cho mình từ lâu rồi), chúng tôi bắt đầu biết yêu. Một lần nữa, chúng tôi tự thấy mình may mắn khi thỉnh thoảng đọc tin có học sinh nam quan vì hệ tình dục với người yêu mà phải ra tòa. Khi đứng trước tòa, câu trả lời là: không biết, tưởng rằng tự nguyện thì không bị coi là hiếp dâm.
Sau những vụ việc như thế, trên mạng lan truyền một cái bảng để phòng thân, bao gồm tuổi của mình, tuổi của bạn gái và nếu quan hệ thì có phải là hiếp dâm hay không.
Chúng tôi tự coi mình là những kẻ “may mắn” khi đã sống qua thời đi học phổ thông mà không để lại “tội danh” gì.
Giấc mơ của chúng ta
Kể lại câu chuyện trên để thấy rằng: suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, chẳng ai dạy gì cho chúng tôi về pháp luật. Đạo đức là những gì được đưa ra làm chuẩn mực, mà vốn dĩ đó là thứ mong manh, vô hình và dễ bị xâm phạm nhất.
Chúng ta có một giấc mơ suốt bao nhiêu năm, rằng: Việt Nam sẽ có nhà nước Pháp quyền theo cách của riêng mình, một xã hội thượng tôn pháp luật, nơi mọi hành vi đều dựa trên pháp luật và mọi cá nhân đều được bảo vệ bằng quyền hạn vô biên của pháp luật. Chúng ta nói những thứ cao xa, nhưng chúng ta quên mất chuyện phải giáo dục cho các em học sinh về pháp luật ngay từ trên ghế nhà trường.
Tôi cũng có giấc mơ của mình, về một thế hệ tương lai khác thế hệ của chúng tôi. Những cậu bé trước khi nghĩ đến chuyện đánh một ai đấy đều phải biết rằng pháp luật là cao nhất, cao hơn tất thảy mọi quyền uy, và rằng quyền nhân thân của mỗi con người là bất khả xâm phạm. Phải biết rằng có pháp luật ở trên kia bảo vệ mình và biết lo sợ rằng mình sẽ bị pháp luật trừng trị.
Cụ thể hơn, mỗi học sinh khi biết quyền của mình bị xâm phạm, có thể đứng dậy phản kháng, đừng làm những học sinh ngoan kiểu những con cừu, xếp hàng liếm ghế của cô giáo trong một câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng khó quên. Những thế hệ tương lai như thế sẽ không “sống sót” qua quãng đời đi học bằng sự may mắn như chúng tôi. Sẽ không bao giờ còn những khuôn mặt ngây thơ, đứng trước tòa vì chỉ một lý do là không biết.
Bị cáo 17 tuổi ra tòa mà bị hại là người yêu 12 tuổi. Ảnh: Ngọc Lê/ Thanh niên |
Môn Giáo dục công dân – đừng vô bổ
Lên đại học, tôi mới hiểu ý nghĩa của từ Công dân, đó là con người đặt trong mối quan hệ với nhà nước, nghĩa là con người được bao bọc bởi pháp luật. Và tôi nhớ lại môn Giáo dục Công dân được học suốt những năm phổ thông.
Chúng tôi được dạy về yêu thương bố mẹ, ông bà, cao lên một chút học về tình bạn, tình yêu. Thậm chí lên cấp ba môn này còn có phần dạy về Kinh tế chính trị học Marx – Lenin.
Nhưng để Giáo dục công dân là bộ môn giáo dục nên những Công dân thật sự, phải chăng cần một sự thay đổi. Hãy tùy theo lứa tuổi, nhận thức mà dạy các em những kiến thức cơ bản về pháp luật.
Tiểu học: đây là thời điểm nhận thức còn sơ sài nhất nhưng là thời điểm tạo nên những hệ ý thức vững bền nhất cho cả cuộc đời. Hãy dạy các em về quyền con người cơ bản: các em có quyền sống, quyền về cơ thể, danh dự, có quyền tự do, có quyền được phát biểu ý kiến và pháp luật bảo vệ tất cả các em về những quyền này.
Trung học cơ sở: đây là thời điểm các em bắt đầu có thay đổi về sinh lý và nhận thức. Quyền sở hữu, quyền kinh doanh đã đến lúc được nhắc đến. Cần bắt đầu hình thành nhận thức của các em về các loại tội phạm cơ bản như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, giết người, hiếp dâm.
Trung học phổ thông: đã đến lúc dạy cho em về các quyền chính trị cơ bản, bộ máy nhà nước, quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, các loại tội phạm tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn cũng cần được nhắc đến trước khi các em bước vào cuộc đời.
Và cuối cùng, tôi tin rằng, pháp luật không phải là thứ gì kinh viện, không phải những ngôn từ bóng bẩy để các luật sư tranh luận trước tòa. Pháp luật là kiến thức phổ thông mà mọi người trong xã hội đều phải được học tập. Đó là những bước đi đầu tiên để giấc mơ nhà nước pháp quyền có cơ hội trở thành hiện thực.
>> TIN LIÊN QUAN: