Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định công bố công khai và cung cấp thông tin, số liệu phát triển ngành, lĩnh vực quản lý đã được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ vào ngày 11/9.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, công bố công khai và cung cấp thông tin, số liệu phát triển ngành, lĩnh vực quản lý đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”, dễ dàng, thuận tiện tra cứu, sử dụng.
Việc công bố công khai thông tin, số liệu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ được thực hiện định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng và cả năm theo quy định của pháp luật có liên quan về công bố công khai thông tin, số liệu.
Các thông tin, số liệu của ngành TT&TT sẽ được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT; trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (nếu có); đồng thời được cập nhật trên Hệ thống theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển Bộ TT&TT.
Việc công bố công khai và cung cấp thông tin, số liệu phát triển ngành TT&TT là nhằm mục đích tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể thuận lợi tiếp cận, nghiên cứu và sử dụng thông tin, số liệu trong các ngành, lĩnh vực quản lý.
Theo Bộ TT&TT, năm 2023 được xác định là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, là bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố, xây dựng dữ liệu cấp bộ ngành, địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu.
Năm 2023 cũng là năm tạo ra thay đổi căn bản để đánh giá của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) về Chính phủ điện tử, Chính phủ số Việt Nam được chính xác thông qua việc cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu cải thiện các thành phần đang có điểm thấp, để thứ hạng Việt Nam công bố vào năm 2024 sẽ tăng ít nhất 10 bậc, từ 86 xuống dưới 75.
Trong bối cảnh chuyển đổi số được Đảng và Nhà nước ta xác định là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc công bố công khai và cung cấp thông tin, số liệu có ý nghĩa rất lớn.
Bởi lẽ, nó không những bảo đảm tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương mà còn giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá.
Đồng thời, giúp người lãnh đạo ra quyết định nhanh hơn, hiệu quả và thực chất hơn; giúp tăng cường và nâng cao tri thức con người Việt Nam và thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Việc thường xuyên đo lường, cập nhật và công bố công khai thông tin, số liệu trong các ngành, lĩnh vực quản lý là nền tảng quan trọng cho việc thực thi và thúc đẩy phát triển ngành TT&TT thông theo đúng định hướng chiến lược phát triển đã ban hành, mang lại giá trị thực chất và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.
Là cơ quan của Chính phủ, Bộ TT&TT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh và truyền hình; thông tin điện tử; thông tấn; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp CNTT; ứng dụng CNTT; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử; chuyển đổi số quốc gia và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Về cơ cấu tổ chức, Bộ TT&TT có 37 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, với 20 cơ quan tham mưu; 12 đơn vị sự nghiệp; 2 doanh nghiệp và 3 đơn vị khác.
Từ tháng 4 đến nay, định kỳ hằng tháng Bộ TT&TT đều tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng trước đó và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời gian tới. Đây cũng là dịp để các phóng viên theo dõi ngành TT&TT được trao đổi, thông tin về những vấn đề nóng, dư luận quan tâm có liên quan đến hoạt động của bộ, ngành. Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đã phân công Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đảm trách vai trò người phát ngôn Bộ. |