Chuyển đổi sinh kế

Ông Vi Đức Hàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ, gần 30 năm trước, cả bản của ông chủ yếu sống dựa vào rừng. Khi đó, thanh niên đi từng tốp vào rừng khai thác gỗ, sắn bắn. Những người phụ nữ yếu hơn thì đi lượm củi, hái rau rừng.

Từ khi Nhà nước đóng cửa rừng, người dân loay hoay không biết làm nghề gì. Ông Hàn đã mạnh dạn thay đổi tư duy, vận động gia đình, huy động vốn để mua máy móc mở xưởng chuyên sản xuất gỗ ép. Mất 3 năm đầu bù lỗ, xưởng sản xuất của ông từng bước ổn định, đến nay đã làm ăn phát đạt, tạo việc làm cho toàn bộ 5 người trong gia đình và thuê 3 lao động tại địa phương; thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng.

{keywords}
Tạo việc làm tại chỗ giúp đồng bào dân tộc có công ăn việc làm. 

Anh Bàn Tiến Sinh, 28 tuổi ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết, nhà anh trước đây có gần 2ha đất đồi trồng cam và một số diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa và hoa màu. Công việc nông nghiệp tuy vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Sau khi học xong phổ thông anh đã xuống Bắc Ninh làm công nhân hơn 2 năm. Tuy nhiên, công việc ở quá xa nhà, lại khác biệt lối sống nên anh mong mỏi được về quê làm ăn. Với hơn 20 triệu đồng tích cóp sau khi đi làm thuê, anh đã lên Hà Nội học nghề sửa chữa xe máy.

Sau hơn 1 năm anh trở về địa phương, vận động gia đình bán đồi và đất ruộng lấy tiền mua một mảnh đất gần trung tâm để làm cơ sở sửa chữa xe máy. Hiện nay, cửa hàng của anh rất đều việc mỗi tháng thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Cần hỗ trợ sinh kế phi nông nghiệp

Theo quan sát của ông Đỗ Văn Giang, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, để tạo việc làm tại chỗ một cách bền vững cho vùng DTTS và miền núi chúng ta cần chú trọng tới lao động trẻ; trước hết là quan tâm tới công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Trên thực tế, hiện nay, nhiều phụ huynh và học sinh, kể cả vùng DTTS và miền núi vẫn có suy nghĩ, phải học xong THPT rồi vào đại học, coi đây là con đường duy nhất bảo đảm tương lai mà chưa quan tâm tới việc học nghề. Cho đến nay, tỷ lệ học sinh sau THCS vào THPT ở nông thôn và miền núi vẫn chiếm khoảng trên 85%; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 80,8%.

Để tháo gỡ nút thắt này, ông Giang đề nghị thời gian tới, cần tăng cường các giải pháp hướng tới mục tiêu chiến lược là đưa 30% (khoảng 330 nghìn học sinh) các trường THCS vào các trường GDNN hết năm 2020. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thay đổi định kiến của xã hội về vai trò của GDNN đối với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người.

Về phía cơ quan Nhà nước, thay vì các nguồn lực hỗ trợ các sinh kế nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi như lâu nay, cần chuyển dịch hỗ trợ các sinh kế mới phi nông nghiệp cho người dân. Chỉ khi nào các sinh kế được thực hiện bền vững, mới giữ chân được lao động.

Thanh Bình
Ảnh: Kim Chi