Thời gian qua, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng xã Đinh Trang Thượng đã tập trung đổi mới và phát triển kinh tế tập thể. Nhiều tổ hợp tác và HTX hoạt động hiệu quả, nâng cao đời sống của người dân, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay trên địa bàn xã Đinh Trang Thượng có 2 HTX, gồm HTX bưởi da xanh được thành lập năm 2019 với 8 thành viên, tổng diện tích là 19,8 ha, sản lượng khoảng 100 tấn, thu nhập khoảng 1,4 tỉ đồng/ha. Được canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ. Năm 2023, bưởi xa xanh của HTX được huyện Di Linh đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Cùng với HTX bưởi da xanh, HTX sầu riêng Thịnh Phát được thành lập năm 2023 với 15 thành viên bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, xã cũng xây dựng tổ hợp tác sản xuất sầu riêng số 1 xã Đinh Trang Thượng đạt chứng nhận VietGAP gồm 8 thành viên với tổng diện tích sầu riêng là 36,26 ha.
Trong thời gian tới, Đinh Trang Thượng tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và chương trình OCOP; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương nhằm tiêu thụ hàng hóa, hướng tới sản xuất các sản phẩm sạch, chất lượng cao, nâng cao uy tín và thương hiệu, từng bước nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Xã Đinh Trang Thượng là một trong những xã có đông bà con đồng bào DTTS, những năm qua, xã Đinh Trang Thượng đã vươn lên phát triển tất cả các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các mô hình kinh tế tập thể. Từ xã vùng sâu, vùng xa ngày nào, giờ đây Đinh Trang Thượng đã thay đổi diện mạo mới.
Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, huyện Di Linh xác định phát triển kinh tế tập thể là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, chất lượng của nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nói riêng.
Nhằm thúc đẩy tính liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả, gắn với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ngày 08/12/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Di Linh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU “Về tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Di Linh giai đoạn 2017 – 2021, định hướng đến năm 2025” (Nghị quyết số 07).
Theo đánh giá của huyện Di Linh, sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, các HTX và tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã phát triển mạnh về số lượng, tổng số HTX, tổ hợp tác đã tăng từ 5 – 5,5 lần so với năm 2017. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 53 HTX; thu nhập bình quân của thành viên HTX là 5,4 triệu đồng/tháng, tăng 1,46 lần so với năm 2015, cao hơn mức bình quân chung của huyện (4,7 triệu đồng/tháng).
Cùng với HTX thì hình thức liên kết theo mô hình tổ hợp tác trong giai đoạn 2017-2023 phát triển tương đối mạnh, đã giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập, các thành viên của tổ hợp.
Theo Bí thư huyện Uỷ Di Linh Đinh Văn Tuấn, thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng và phát triển đa dạng các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với đặc thù, thế mạnh của từng khu vực, từng địa phương.
Đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến góp phần tạo nên sức mạnh tổng thể, tạo điều kiện để kinh tế tập thể phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Để đạt tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất đòi hỏi các xã phải có HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX. Vì thế, trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, không thể thiếu sự tham gia của kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX.
Các HTX, tổ hợp tác không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, tăng cường tính liên kết trong sản xuất, bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, mà còn đóng góp nguồn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Theo báo cáo của huyện Di Linh về xây dựng nông thôn mới, đến nay, kinh tế xã hội của huyện tiếp tục tăng trưởng và phát triển; hạ tầng kinh tế các xã tiếp tục được đầu tư phát triển đồng bộ, hạ tầng giao thông đã có nhiều đột phá quan trọng. Đến thời điểm 30/6/2024, 18 xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí huyện nông thôn mới cơ bản hoàn thành. Hiện nay, huyện đang xây dựng hồ sơ đề nghị xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.