Để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, căn cứ các văn bản của Trung ương, Sơn La đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, phát triển hạ tầng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên gắn chức năng, nhiệm vụ tích cực tham gia thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, dự án giảm nghèo đảm bảo hiệu quả, sát tình hình thực tế địa phương.

W-cayman.png
Cây mận Sơn La góp phần giảm nghèo bền vững

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách giảm nghèo chung của Nhà nước như: Hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ về y tế, giáo dục, tiền điện, nước… cho các hộ nghèo, từ nguồn vốn được phân bổ, tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo như: Dự án Hỗ trợ phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, Dự án Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, Dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Nhìn chung, các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá Chương trình, hoạt động đào tạo nghề, nâng cao năng lực, thông tin tuyên truyền về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được giao năm 2023 cho Sơn La (đã bao gồm kinh phí năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023) là 532.319 triệu đồng (Vốn đầu tư: 248.741 triệu đồng; Vốn sự nghiệp: 283.578 triệu đồng). Tổng số kinh phí đã thực hiện giải ngân đến 04/10/2023 là 116.266 triệu đồng/532.319 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 21,8% trên tổng số kinh phí thực hiện Chương trình năm 2023.

Theo đó, tỉnh đã đã phân bổ nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn sự nghiệp cho 2 huyện nghèo Thuận Châu và Sốp Cộp. Riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp, huyện Thuận Châu đã phân bổ kinh phí (4.186 triệu đồng) cho 28 xã để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng, các xã đang rà soát, lập danh mục các công trình cần duy tu bảo dưỡng để trình, thẩm định. Còn huyện Sốp Cộp đã phân bổ kinh phí (3.935 triệu đồng) để thực hiện hỗ trợ sửa chữa 01 công trình giao thông (đường từ Nà Nong xã Nậm Lạnh đến xã Dồm Cang), hiện đã giải ngân được 1.667,7 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 42,3%.

Cùng với đó, hiện tại các huyện nghèo đang thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong 08 tháng đầu năm 2023, đã hỗ trợ được 16 lao động (Thuận Châu 11 lao động; Sốp Cộp 05 lao động) trên địa bàn 02 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Duy Tiến và nhóm PV