Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do bị dừng đơn hàng bởi tình hình bất ổn trên thế giới. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu ở khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Tuyên cho hay, Sở đang chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tiếp nhận và giải quyết tốt việc hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
"Chúng tôi cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về chính sách lao động, bảo hiểm xã hội cho người lao động", ông Tuyên nhấn mạnh.
Đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan hướng dẫn cho các doanh nghiệp và người lao động thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động. Trong đó, chú trọng đảm bảo các quy định về trả lương trong thời gian ngừng việc, không để người lao động bức xúc dẫn đến tranh chấp lao động tập thể, đình công.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay, đơn vị này mới gửi danh sách 30 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động để công nhân có nhu cầu xem xét, ứng tuyển vào đơn vị phù hợp. Đồng thời, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp cũng cố gắng chăm lo hỗ trợ cho công nhân trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong văn bản gửi đến các đơn vị trực thuộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động báo cáo về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong trường hợp có xảy ra tranh chấp lao động tập thể - đình công.
Giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường
Bên cạnh tập trung tối đa nguồn lực hỗ trợ công nhân, tỉnh Bình Dương cũng chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo đó, UBND Bình Dương giao Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm đơn hàng.
Đơn vị phải thống kê, rà soát tình hình lao động ở các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để có hướng điều tiết các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động sang các doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tạo thêm việc làm mới.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương được yêu cầu chỉ đạo ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đơn vị cũng vừa gửi danh sách gần 30 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để công nhân có nhu cầu xem xét, ứng tuyển vào đơn vị phù hợp.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng vừa hoàn tất kế hoạch chăm lo, hỗ trợ người lao động trên toàn tỉnh với phương châm "Tất cả đều có Tết". Đây là hoạt động thường niên và ý nghĩa của các cấp công đoàn ở Bình Dương được duy trì nhiều năm qua.
Chợ Tết Công đoàn năm 2023, Chuyến tàu xuân nghĩa tình 2023 là hai trong số nhiều hoạt động ý nghĩa, sát thực tế được tỉnh tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp Tết và hồi hương sắp tới của người lao động khó khăn tại Bình Dương.
Trong chuỗi chương trình này, người lao động được mua các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, kết hợp vui xuân, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và tư vấn pháp luật, tặng quà... Với những người lao động có nhu cầu đón Tết ở quê thuộc các tỉnh từ Bình Thuận trở ra đến Hà Nội cũng sẽ được tạo điều kiện vé đi và trở lại an toàn, chu đáo.
Hoàng Linh