“Sẽ rất tai hại nếu như các sách khoa giáo dành cho trẻ con Việt Nam lại toàn những hình ảnh, kiến thức, thông tin từ các nước đâu đâu” - nhà văn, họa sĩ Vũ Đình Giang, người tham gia thực hiện nhiều bộ truyện tranh Việt Nam, lo ngại.


Điều này có thể bắt gặp khi dạo một vòng quanh các nhà sách, thấy các em phải sớm đọc và làm quen với con cừu, con kangaroo trong khi các vấn đề lễ nghi của Việt Nam, hình ảnh động, thực vật Việt Nam - những kiến thức khoa giáo nền tảng cho trẻ - lại thiếu vắng trong sách của các em.

Khoảng trống của mảng sách thiếu nhi thuộc nội dung khoa giáo do Việt Nam đầu tư được lý giải trước hết từ thị trường: công việc tổ chức bản thảo luôn tốn kém hơn rất nhiều so với việc “mua và dịch”.

Nỗ lực... giữ tinh thần nội địa


Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng:

Trẻ “chụp ảnh” những gì thấy được

Tri giác của trẻ có tính chất chụp ảnh nên những hình ảnh, dấu vết của sự vật, hiện tượng (trong đó có sách, truyện) được đón nhận một cách trọn vẹn và lưu trữ lâu trong trí não trẻ. Chẳng hạn với một chiếc xe, người lớn chỉ nhớ một số đặc điểm riêng nào đó, còn trẻ sẽ “chụp ảnh” đến từng chi tiết. Chính vì vậy, các trường mầm non và tiểu học phải rất cân nhắc khi chọn mua sách, đồ chơi hay vật dụng cho trẻ.

Tuy vậy, trẻ không phải là một cái máy ảnh “cơ học” mà là một chủ thể có cảm xúc và biết ghi nhớ theo cảm xúc. Các dấu vết lưu trữ đó khó có ảnh hưởng sâu đậm ngay lập tức đến tâm trí của trẻ. Với những quyển sách, truyện đầu đời, nếu các ấn phẩm ấy có những hình ảnh về cuộc sống, thế giới xung quanh bé thì hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn. Nên làm sao cho trẻ có ấn tượng sâu đậm đầu tiên về những gì gần gũi nhất, đặc biệt là với những hình ảnh thiêng liêng như cờ Tổ quốc, sau đó mới cung cấp thêm thông tin, hình ảnh về những nơi xa lạ.

THÁI BÌNH ghi


Khi tổ chức sản xuất loạt Tranh truyện cổ tích Việt Nam, Công ty Nhã Nam phải đầu tư tìm kiếm họa sĩ và người viết kịch bản, dựng phác thảo, sản xuất, in màu... cạy cục gần ba năm mới xong 20 tập, vốn bỏ ra hơn 300 triệu đồng và tiêu thụ thì phải tính bằng hàng năm. Trong khi đó, nếu mua một bộ truyện tranh tương tự từ Trung Quốc thì tốn khoảng vài chục triệu, lại không mất tiền đầu tư cho các khoản thiết kế, trả lương cho họa sĩ và nhuận bút cho tác giả...

Điều này cũng được Công ty Phan Thị ghi nhận tương tự. Phan Thị đang có một loạt sách vui học dành cho các em mầm non như Cùng Mi & Nô học lễ giáo, Đố thơ mầm non, Hoa hồng nhanh trí. Tuy nhiên, như với bộ Cùng Mi & Nô học lễ giáo, phía Phan Thị cho biết êkip của mình thực hiện tám tập mất 45 ngày, trong khi nếu mua tác quyền từ bên ngoài thì chỉ cần một ngày là chuyển ngữ xong nội dung.

Và hiện tại, “giềng mối” hiếm hoi giữ được tinh thần nội địa trong các sách thiếu nhi là NXB Kim Đồng. Ông Cao Xuân Sơn - giám đốc chi nhánh NXB Kim Ðồng tại TP.HCM - cho biết: “Từ hơn mười năm nay, ban lãnh đạo NXB Kim Đồng nhất quán về chủ trương đầu tư bản thảo trong nước. Kim Đồng mua bản quyền sách nước ngoài là để các độc giả của mình cập nhật kịp thời các sách mới bên ngoài, nhưng đầu tư sách trong nước vẫn rất cao”. Cụ thể, hiện Kim Đồng có bộ Những người sống quanh em hơn 30 tập, nội dung giới thiệu kiến thức, hình ảnh những người làm các nghề gần gũi với các em, những người mà các em có thể bắt gặp ngay khi ra khỏi nhà, đi học hoặc đi du lịch cùng gia đình. Một bộ truyện cũng rất thú vị nữa là Lạ mà quen, quen mà lạ dành cho các em từ 2-5 tuổi, nhằm khơi gợi những cảm nhận về môi trường xung quanh: Trái cây rất ngon, Bầu trời và mặt đất, Những tên gọi khác nhau của đồ vật...

“Hằng ngày trẻ con đối diện với môi trường rất riêng của Việt Nam thì không nhất thiết mình cứ dịch từ nước ngoài” - họa sĩ Vũ Đình Giang cho biết anh đang cùng êkip của mình thực hiện một loạt ấn phẩm dành cho thiếu nhi Việt Nam trong nỗ lực “giành lại thị phần” so với các ấn phẩm dịch.


Thiếu vắng đội ngũ chuyên gia tư vấn về giáo dục

Nói là “nỗ lực giữ tinh thần nội địa” nhưng tình hình rất khó khăn, ông Cao Xuân Sơn nhẩm tính: Loại truyện tranh như Những người sống quanh em thì với êkip của Kim Đồng mỗi năm chỉ làm được 10 tập và theo ông, nếu mua sách từ bên ngoài tốn một, tự tổ chức làm bản thảo trong nước phải tốn gấp 10 -12 lần. Sự khó khăn trong việc tổ chức bản thảo trong nước còn thể hiện ở sự thiếu vắng đội ngũ chuyên gia tư vấn về giáo dục và giáo dục thiếu nhi. Một họa sĩ thâm niên làm truyện tranh cho biết: “Những người này giữ vai trò cung cấp các kiến thức chuẩn, để khi các đơn vị làm sách cần tư vấn một nội dung gì đó thì có thể tham khảo từ họ để quy trình làm sách được nhanh hơn. Trong khi ở Việt Nam hiện nay các nhà xuất bản phải tự tìm các chuẩn cho mình, và lắm nơi gửi niềm tin vào sách nước ngoài cho chắc ăn!”.

Đó là một trong những lý do mà ông Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc Công ty sách Đinh Tị - gọi là không phải tự nhiên mà sách Trung Quốc tràn vào Việt Nam nhiều thế. Theo thông lệ, những công ty nào từng mua sách của Trung Quốc thì cứ hằng tháng hoặc hằng quý, họ đều gửi mail chào bán các sách mới. Sở dĩ các công ty Việt Nam chọn mua sách từ Trung Quốc là vì nội dung và hình ảnh trong sách của họ gần giống mình, bạn đọc dễ chấp nhận. “Các sách về phát triển trí tuệ, dạy trẻ các kỹ năng ngoan ngoãn, không ngang ngược... đều có thể được bạn đọc Việt Nam chấp nhận” - ông Tuấn nhận xét.

Nhiều đơn vị làm sách chỉ lo kinh doanh


Trong khi đó, với tư cách một người có thâm niên làm truyện tranh và các sách cho thiếu nhi Việt Nam, bà Phan Thị Mỹ Hạnh - giám đốc Công ty Phan Thị - cho rằng ở Việt Nam hiện nay hầu hết các đơn vị làm sách chỉ đang làm kinh doanh chứ không làm xuất bản. Các đơn vị làm sách không đủ sức để đầu tư vào tầm nhìn chiến lược, đọc thị trường, xây dựng đề cương và đào tạo, xây dựng đội ngũ làm sách. Những việc này đòi hỏi đầu tư theo chiều sâu, mất thời gian dài, trong khi mua sách từ bên ngoài dịch ra thì có sản phẩm bán ngay, thu lợi nhanh, và chính lợi nhuận kinh doanh làm người ta quên đi trách nhiệm phát triển sản phẩm trong nước.

Đối với các sách khoa giáo, tính mục đích rất tốt, rất cần nhưng thực hiện không dễ. Thực tế đã có nơi làm bộ sách dạy luật tác quyền bằng tranh, nhưng chính những người trong giới đọc cũng thấy không hấp dẫn.

“Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản phát triển và xuất khẩu văn hóa của họ sang nước mình thông qua bản quyền sách. Họ có các quỹ hỗ trợ xuất bản ra nước ngoài nên họ luôn chào mình rằng có bộ sách này hay lắm, cứ mua tác quyền đi, rồi chúng tôi sẽ chi một khoản tiền từ quỹ này để hỗ trợ quý vị in ấn” - bà Hạnh nói. Cứ như vậy, chi phí mua tác quyền và đầu tư làm sách dịch ít hơn nhiều so với tự tổ chức bản thảo. Các đơn vị làm sách trong nước cũng không mấy ai tự nhận lấy việc “xương xẩu” là tự làm sách Việt để xuất khẩu ra bên ngoài như một lẽ đương nhiên của cái gọi là hội nhập toàn cầu.


“Không cạnh tranh được”

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh nhẩm tính: Nếu đầu tư làm truyện tranh, tiền trả cho họa sĩ khoảng 500.000 đồng/trang, quyển sách 30 trang sẽ tốn 15 triệu tiền họa sĩ. Trong khi mua một quyển 30 trang tương tự từ Trung Quốc, tiền tác quyền chỉ khoảng 5 triệu. Mức chênh lệch ấy là rất hấp dẫn trong kinh doanh.

Số liệu từ NXB Kim Đồng cho thấy năm 2012, đơn vị này làm 2.000 đầu sách, trong đó sách Việt Nam chiếm 31%, sách dịch từ nước ngoài chiếm 69%. Một công ty tư nhân có tỉ lệ sách thiếu nhi dịch từ nước ngoài chiếm 10-15% cho biết năng suất thực hiện sách tranh màu cho thiếu nhi phải mất cả năm mới xong một tập, “đầu tư như thế thì không cạnh tranh được với các công ty chuyên dịch”, vị đại diện công ty này khẳng định.


Theo Tuổi trẻ