- “Từ khi tàu ngưng hoạt động, công ty phải đi vay tiền để chi trả chi phí sửa
chữa, nhân viên thất nghiệp, doanh nghiệp mất uy tín kinh doanh…”- các doanh
nghiệp kinh doanh tàu cánh ngầm vừa có đơn “kêu cứu” Bộ GTVT.
Nguy cơ phá sản, nợ ngân hàng, lao động thất nghiệp…
Liên quan đến việc đình chỉ hoạt động tàu cánh ngầm tại TP.HCM và Bà Rịa –Vũng
Tàu (do sự cố cháy tàu cánh ngầm Vina Express 01 trên sông Sài Gòn vào ngày
20/1).
Công ty TNHH vận tải Quang Hưng Petro Express; Công ty CP tàu cao tốc
Vina đồng loạt gửi đơn tới các cơ quan chức năng “kêu cứu”, đề nghị cho phép tàu
cánh ngầm hoạt động trở lại.
|
Tàu cánh ngầm bị thiêu trụi và chìm gần như toàn bộ dưới sông Sài Gòn trong sự cố ngày 20/1 |
Trong đơn gửi Bộ GTVT, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở GTVT TP.HCM,
Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện công ty Quang Hưng cho biết: thời gian
tạm đình chỉ đã gần ba tháng nhưng vẫn chưa có sự đồng ý cho hoạt động lại của
các cơ quan liên quan. Do nguồn thu duy nhất từ kinh doanh vận tải hành khách để
trang trải các chi phí, nên công ty rất khó khăn.
Từ khi tàu ngưng hoạt động, công ty phải đi vay tiền để chi trả chi phí sửa
chữa, cẩu lên ụ đốc, nâng cấp theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, cũng như chi phí
văn phòng, bến bãi, tiền lương của cán bộ công nhân viên.
“Chúng tôi cũng đã khắc phục, đồng thời tiếp tục đầu tư, nâng cấp nhằm đảm bảo
an toàn cũng như lấy lại niềm tin của khách hàng, để mong được hoạt động trở
lại”- đại diện công ty Quang Hưng cho biết thêm
Trong khi đó, về phía công ty CP tàu cao tốc Vina Express ông Nguyễn Duy Việt -
Giám đốc công ty cho hay: Việc toàn bộ các tàu bị tạm đình chỉ hoạt động đã gây
thiệt hại không nhỏ cho công ty.
Hiện công ty đang trong hoàn cảnh hết sức khó
khăn, do không có nguồn thu nào khác nhưng vẫn phải trả lương, đóng các chế độ
bảo hiểm cho cán bộ nhân viên, các chi phí quản lý, mặt bằng, điện nước…
Theo vị giám đốc này, việc công ty bị ngừng hoạt động dịch vụ còn tác động rất
xấu đến tư tưởng người lao động, do thu nhập bị giảm sút, đối diện với nguy cơ
mất việc làm. Hơn nữa, việc đình chỉ hoạt động kéo dài làm cho công ty nói riêng
và các hãng tàu cánh ngầm nói chung bị mất uy tín kinh doanh trầm trọng.
Ngoài ra, nhiều dịch vụ liên quan ở hai đầu bến bãi bị đình trệ, ngân sách thành
phố thất thu khoản thuế, ảnh hưởng nhiều đến hành khách thường xuyên đi lại bằng
tàu cánh ngầm.
Doanh nghiệp vẫn phải chờ…
Nguồn tin từ một thành viên trong đoàn kiểm tra của Bộ GTVT (đề nghị không nêu
tên) cho biết, sau khi đoàn kiểm tra của Bộ GTVT tiến hành kiểm tra đã phát hiện
một loạt khiếm khuyết kỹ thuật của tàu cánh ngầm.
Đoàn kiểm tra cũng đã phân tích, đánh giá và xác định trách nhiệm để xảy ra các
lỗi liên quan đến tàu cánh ngầm là của ai và kiến nghị những giải pháp khắc phục
trong thời gian tới.
"Hướng của đoàn kiểm tra là kiến nghị cho tàu cánh ngầm hoạt động trở lại, tuy
nhiên phải khắc phục các khiếm khuyết và bổ sung thêm các điều kiện an toàn như
khuyến nghị. Thời gian hoạt động lại nhanh hay chậm còn tùy vào các doanh nghiệp
khắc phục các khiếm khuyết mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra" - vị này nói.
Vị này cho biết thêm, do tàu cánh ngầm là phương tiện thủy nội địa nên được giao
cho địa phương quản lý.
Lệnh đình chỉ cấm chạy tàu là do UBTPHCM đưa ra. Đợt
kiểm tra đầu tiên chỉ liên quan đến kỹ thuật và phòng cháy chữa cháy nên sau đó
TPHCM mới đề nghị Bộ GTVT kiểm tra.
Sau khi đoàn kiểm tra có đánh giá toàn diện và đề xuất hướng xử lý, Bộ GTVT sẽ
có ý kiến với UBND TPHCM, lúc đó thành phố sẽ quyết định đến việc hoạt động của
các tàu cánh ngầm.
Thạch Thảo