- Mấy ngày nay, dư luận phẫn nộ vì trong vụ tai nạn ở Hà Nội, nhiều người đã không chịu chở nạn nhân đi cấp cứu, để đến gần 1 giờ sau, khi xe cấp cứu đến thì nạn nhân không còn sống được nữa.

Rất nhiều ý kiến trái chiều nhau, người thì phẫn nộ vì thái độ thấy chết không cứu, người lại cho rằng việc cứu người làm người ta gặp phiền phức, có người cho rằng không biết cấp cứu chỉ gây thêm nguy hiểm cho nạn nhân. Tuy nhiên, có một vấn đề mà không ai đặt câu hỏi, là tại sao xe cấp cứu phải mất tới 1 giờ mới tới được hiện trường vụ tai nạn?

Cách đây khoảng 35 năm, tại một thành phố tỉnh lẻ của một nước Đông Âu, tôi đang chờ xe đi qua để đi bộ qua ngã tư đường (không có đèn giao thông), thì một chiếc xe hơi rẽ trái tông vào bên hông một chiếc tàu điện đang đi thẳng. Lần đầu tiên nhìn thấy tai nạn ở nước ngoài, tôi sững người.

{keywords}
Sau tai nạn rất lâu, xe cấp cứu mới có mặt tại hiện trường vụ tai nạn tại phường Ái Mộ, quận Long Biên

Sau khoảng 1 phút sững sờ, tôi băng qua ngã tư. Hồi đấy tôi chưa có thói quen đi nhanh như dân bản xứ. Khi đi qua gần hết ngã tư thì nghe còi hú. Xe cảnh sát chạy đằng trước, xe cấp cứu chạy đằng sau lao đến. Tôi phải vội vàng chạy lên lề đường để cho xe cảnh sát và xe cấp cứu tiến đến sát hiện trường vụ tai nạn. Chỉ khoảng hơn 1 phút từ khi tai nạn xảy ra.

Cách đây 15 năm, tại Phoenix, Mỹ, tôi đến Arizona Mills bằng xe buýt. Khi trở về, tôi phải chuyển xe ở một khu vực nói tiếng Tây Ban Nha. Trạm xe buýt gần một ngã tư, rất vắng. Một thanh niên ăn mặc bụi, đến gặp tôi xin thuốc hút. Tôi không cho, anh ta nói gì đó bằng tiếng tây Ban Nha, vẻ cà khịa.

Một chút sau, một xe cảnh sát chạy tới ngã tư giải quyết gì đó khoảng 1 phút, xong đi lại, đậu sát bên trạm chờ xe buýt. Thanh niên định cà khịa với tôi lảng đi. Vài phút sau xe cảnh sát cũng đi luôn. 15 phút sau, xe cảnh sát lại quay lại. Một cảnh sát hỏi tôi là thanh niên kia đâu rồi. Thì ra là họ sợ tôi bị tấn công. Một cảnh sát xuống xe, hướng dẫn tôi cách nhấn chuông báo động nếu bị tấn công.

Cách đây khoảng 10 năm. Vào một buổi chiều chủ nhật, tôi đang ăn ở một khu du lịch ở Lái thiêu, Bình Dương thì nhận được điện thoại của chị tôi. Chị tôi lúc ấy đã khoảng 60 tuổi, bị té trên sân thượng nhà. Không biết té thế nào nhưng chị đang nằm dưới sàn, rất đau cổ và tê tay chân. Tôi nói chị gọi cấp cứu, vì nhà chị ở cách Trung tâm Y tế quận khoảng 500m, còn tôi đang ở xa khoảng hơn 30km.

Khoảng nửa giờ sau, chị lại gọi cho tôi, rằng chị rất đau, mà cấp cứu thì chẳng thấy đâu. Tôi đành gọi tính tiền để đi về, không quên dặn chị hối thúc bên cấp cứu. Cũng phải mất 30 phút sau tôi mới lấy xe gắn máy và chạy về Sài Gòn. Khi tới nhà chị, tôi thấy xe cấp cứu đang đậu trước cửa, xe của Trung tâm Y tế cách nhà chị 500m. Chạy lên sân thượng, chị đang nằm dưới sàn. Anh lái xe và một điều dưỡng vừa mới tới, đang yêu cầu chị ngồi dậy. Tôi phải gọi cho đứa em chạy vào bệnh viện mua một cái nẹp cổ mang đến nhà chị. Sau hơn 3 giờ kể từ khi té, chị tôi mới được đưa xuống khỏi sân thượng và đưa vào bệnh viện.

{keywords}
BS Võ Xuân Sơn

Khi còn trực cấp cứu, tôi gặp những chuyện rất đau lòng. Có người bị tai nạn giao thông, tại hiện trường không bị liệt, nhưng khi đưa đến bệnh viện thì liệt tứ chi do chấn thương cột sống cổ. Có trường hợp té giếng bị đau lưng nhưng không liệt. Cho một người xuống, buộc dây vào lưng nạn nhân kéo lên. Khi lên tới gần miệng giếng thì dây đứt, nạn nhân và cả người xuống cấp cứu đều liệt tứ chi.

Có một thời gian, tôi được phân công báo cáo các bài về sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương cột sống tại hiện trường cho y tế tuyến quận huyện ở khu vực phía Nam, một chương trình phổ biến kiến thức sơ cấp cứu của Bộ Y tế. Gần đây, ở Sài Gòn, người ta đã chú ý hơn đến công tác cấp cứu tại hiện trường, thành lập những đội cấp cứu phản ứng nhanh. Đặc biệt là mới có đội xe cấp cứu tư nhân hùng hậu nhập từ Mỹ.

Hẳn là cần lên án thái độ thờ ơ với tính mạng con người của một bộ phận người dân hiện nay. Nhưng trước hết, chính quyền cần phải quan tâm đến các vấn đề sống còn của người dân hơn nữa. Không thể đổ hết lỗi cho dân được.

BS Võ Xuân Sơn