Nhiều nét tương đồng của dịch bệnh tay chân miệng năm nay khiến các bác sĩ ở TP.HCM nhớ về trận dịch 12 năm trước. Khi đó, EV71 cũng là tác nhân chính, bác sĩ trắng đêm chăm sóc hàng trăm trẻ. Có lúc, 100% ca tay chân miệng độ 4 đều tử vong.
Bệnh nhi tay chân miệng nhỏ nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hiện nay là bé 6 tháng tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh. Theo Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, nếu nhập viện muộn vài chục phút, bé sẽ tử vong.
Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ sốt nhẹ và nổi hồng ban 3 ngày. Bác sĩ phòng khám tư chẩn đoán em bị tay chân miệng độ 1. Một ngày sau, trẻ sốt cao, khó thở, suy hô hấp và chuyển vào viện trong tình trạng tím tái, ngưng thở, truỵ tim mạch.
Tại Khoa Cấp cứu, bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở, chích tủy xương truyền thuốc. Chẩn đoán lúc này là tay chân miệng độ 4, nguy kịch. Khi chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, bé lập tức được chỉ định lọc máu. Đây là phương án cuối cùng.
“Trẻ thoát nguy kịch sau 3 ngày lọc máu, hiện đã cai máy thở và đang theo dõi tại khoa. Lọc máu cứu trẻ tay chân miệng được chúng tôi áp dụng lần đầu tiên năm 2011. Khi đó, dịch bệnh rất căng thẳng và cũng do chủng EV71 gây ra, rất giống tình hình năm nay”, bác sĩ Quang nói.
Trong trí nhớ của bác sĩ Quang, năm 2011 là thời điểm dịch tay chân miệng dữ dội. Trẻ mắc bệnh rất nặng, bác sĩ thực hiện tất cả các biện pháp hồi sức cũng phải nhìn trẻ ra đi trước mắt. “100% trẻ tay chân miệng độ 4 tử vong. Các bé bị sốc, suy đa cơ quan, phù phổi. Cứ chuyển bệnh vào vài tiếng sau là chết, làm cách nào cũng không cứu được”, ông nhớ lại.
Khi đó, Bộ Y tế chưa có phác đồ điều trị chính thức cho tay chân miệng, trẻ vẫn ồ ạt nhập viện. Bác sĩ bình tĩnh nhận ra các ca nặng đều liên quan đến cơn bão cytokin gây suy đa cơ quan. Không còn gì để mất, các bác sĩ hồi sức quyết định thử lọc máu cho những ca nặng nhất.
"Chúng tôi cứu được trên 80% các trẻ tay chân miệng độ 4. Sau đó, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng lọc máu trong điềy trị tay chân miệng. Phương pháp này được đưa vào phác đồ chính thức của Bộ Y tế vào năm 2012", bác sĩ Quang chia sẻ.
Thời điểm đó, ở tuyến đầu, Khoa Nhiễm Thần kinh đối mặt với khoảng 250 trẻ bị tay chân miệng trong phòng ốc cũ kỹ, chật chội. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, thậm chí còn không nhớ nổi tên bệnh nhân. “Bác sĩ chỉ biết bé đó nằm ở giường đó, gần hành lang hay cửa ra vào, không thể nhớ được tên. Mỗi giường 3-4 bé là bình thường. Cả nước có khoảng 130 trẻ tử vong trong đợt dịch 2011”, ông nói.
Nhân lực thiếu, áp lực nặng nề, một số bác sĩ nghỉ việc. Không căng thẳng sao được khi mỗi đêm trực chỉ có một bác sĩ thức trắng theo dõi hơn 200 trẻ có thể nguy kịch bất kỳ lúc nào. Đặc điểm tay chân miệng do EV71 gây ra là bệnh nặng và chuyển độ nhanh, vì thế bác sĩ phải theo dõi trẻ mỗi giờ để kịp thời phản ứng.
“Có hôm một mình tôi phải đặt nội khí quản cho 5 bệnh nhi, áp lực không thể nào diễn tả nhưng nhờ đó lại có kinh nghiệm trận mạc. Một đàn chị không chịu nổi đã phải nghỉ việc”, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, nhớ lại thời điểm 12 năm trước, khi anh còn là bác sĩ trẻ.
Năm 2011 cũng từng xuất hiện tình cảnh đau lòng khi bệnh nhi 3 tuổi mắc tay chân miệng là con của vợ chồng bác sĩ, trong đó một người thuộc chuyên khoa nhi. Trẻ tử vong sau khi chuyển vào viện vài giờ vì quá nặng, gia đình không nhận ra triệu chứng nặng vì bệnh quá mới.
Theo các bác sĩ, mỗi trận dịch tay chân miệng đi qua lại để lại những kinh nghiệm quý giá. Năm 2011 căng thẳng nhất vì bệnh mới, không có phác đồ điều trị, nhân lực thiếu. Năm 2018, vấn đề lớn là chỗ nằm, phòng ốc chật chội trong khi thuốc men đầy đủ. Năm 2023, Bộ Y tế đã đảm bảo có thuốc điều trị nên vấn đề lo nhất là tình trạng “quên bài” khiến trẻ nhập viện trễ.
“Nếu người nhà không nhận ra triệu chứng nguy hiểm, trẻ không được vào viện. Bác sĩ nhìn không ra dấu hiệu, trẻ cũng không được chẩn đoán, theo dõi sát, không can thiệp kịp và ử vong. Về điều trị, nếu thuốc không về kịp trẻ sẽ thở máy rất nhiều. Trong khi đó, dự báo tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng cho đến hết tháng 9. Phải cố gắng có thuốc và vắc xin cho người dân, bệnh sẽ còn quay lại”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Theo Sở Y tế TP.HCM, EV71 là chủng virus có độc lực cao, gây bệnh nặng và tử vong, là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các 2011 và 2018. Do đó, ngành y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng của tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng, kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng.
Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa hồ sơ xin cấp phép giấy đăng ký lưu hành vắc xin phòng tay chân miệng vào ưu tiên thẩm định, xét duyệt. đảm bảo vắc xin đến tay người dùng một cách an toàn nhất.
Vắc xin sẽ tạo miễn dịch chủ động cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 2 tháng đến 6 tuổi để phòng bệnh do nhiễm EV71, bao gồm 2 mũi tiêm.
Đây cũng là niềm mong chờ của các bác sĩ trải qua nhiều năm căng mình chống dịch. “Với những bệnh đến hẹn lại lên như tay chân miệng hay sốt xuất huyết, chúng ta phải cố hết sức để có vắc xin sớm.
Các loại bệnh này không thể tự mất đi mà nguyên tắc chỉ vắc xin mới giải quyết được. Chúng tôi rất chờ đợi”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Ở phía Nam, hơn 11.000 trường hợp đã mắc tay chân miệng và có ít nhất 7 trẻ tử vong. Nhiều bệnh nhi được đưa đến viện khi đã trụy tim mạch hoặc biến chứng lên hệ thần kinh.
So với nhiều tác nhân gây ra bệnh tay chân miệng, Enterovirus 71 là virus nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong sau 4 tiếng người mắc xuất hiện biến chứng.