Nằm trong vùng đất thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, người dân địa phương cần cù, sáng tạo và có trình độ kỹ thuật canh tác tốt, nên dù mới tham gia vào Chương trình OCOP được 5 năm, Tây Ninh đã cho ra đời nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng.

anh 1.jpeg
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2025 có từ 100-120 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, hiện nay toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP; trong đó 47 sản phẩm đạt 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tất cả các sản phẩm được công nhận đều là những đặc sản nổi bật, mang dấu ấn điều kiện tự nhiên, thể hiện nét văn hóa bản địa của cộng đồng cư dân các dân tộc trên địa bàn. Trong số đó, có các sản phẩm như các loại bánh tráng siêu mỏng nhãn hiệu Tân Nhiên (bánh tráng ớt, muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phô mai, bánh tráng sa tế tỏi, bánh tráng sa tế tôm hành…), bánh tráng phơi sương, rau rừng tổng hợp Thanh Thúy, mắm điều chay, nước mắm trái điều Vương Ngọc, dế mèn đông lạnh, bột dế, dế sấy sả ớt ăn liền Oanh Vĩnh, sầu riêng Bàu Đồn, mít Thái siêu sớm Tân Lập...

Để sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) vững chỗ đứng, khẳng định niềm tin với người tiêu dùng, trước hết chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, gắn liền với thương hiệu. Vì vậy, tỉnh Tây Ninh chủ trương không chạy theo số lượng mà tập trung chọn sản phẩm nổi bật, đặc thù gắn với điều kiện địa lý, tập quán, nét sinh hoạt của cộng đồng cư dân. Các ngành chức năng hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm đặc sản trên cơ sở chất lượng đi đôi với thương hiệu được xác lập từ lợi thế, thế mạnh từng địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, mặc dù tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các loại đặc sản là rất lớn, nhưng việc phát triển các sản phẩm này còn nhiều khó khăn; sự hạn chế trong các khâu tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu… đang là rào cản khiến sản phẩm chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế cao.

Vì vậy, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có từ 100-120 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 02-03 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Tỉnh cũng sẽ ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng dược chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu 100% các chủ thể doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề về Chương trình OCOP.

Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm OCOP, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các Cổng thông tin điện tử, truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu sổ tay, cẩm nang... 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.

Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng dược cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025 với nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể sẽ là “chìa khóa” để sản phẩm OCOP Tây Ninh vươn xa.

Hồng Phúc và nhóm PV, BTV