Ngành hàng sầu riêng của Việt Nam đã và đang trở thành một ngành hàng giữ vai trò đặc biệt quan trọng của Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương trồng sầu riêng nói riêng, với giá trị xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 2 tỷ USD. 

Tuy nhiên, hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.

anh sau rieng 2.png
Hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng, khiến nhiều hợp tác xã lo lắng. 

Thời gian gần đây, ông Phạm Quốc Dũng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch ở thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cũng luôn đau đáu nỗi lo trước thực trạng tranh mua, tranh bán, bỏ cọc, loạn giá sầu riêng và loạn thông tin thị trường.

Tham dự diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và Giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” diễn ra cách đây ít lâu, Phó Giám đốc Phạm Quốc Dũng đã đề nghị Hiệp hội Sầu riêng phối hợp chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn có liên quan nhanh chóng triển khai một số giải pháp cụ thể: Niên vụ 2023 cần phải được tổng kết, đánh giá một cách toàn diện để có biện pháp, giải pháp phát triển ngành hàng một cách bền vững và xử lý nghiêm minh những tồn tại, hạn chế (nếu có); Công bố công khai, đích danh tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán, gian lận mã số vùng trồng, có các lô hàng kém chất lượng, gian lận thương mại bị trả về, hoặc các tổ chức, cá nhân đóng gói, làm hàng xuất khẩu tại cơ sở không đủ điều kiện, chưa được cấp phép…  

Một vấn đề quan ngại khác đối với Phó Giám đốc Phạm Quốc Dũng, đó là những vấn đề bất cập, hạn chế trong hoạt động liên kết chuỗi trồng cây sầu riêng.

Về vật tư đầu vào, đa số các dòng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cao cấp dùng cho cây sầu riêng đều do các công ty nhập khẩu, sản xuất, phân phối theo kênh phân phối “đại lý độc quyền” quy mô cấp tỉnh nên mức giá cao và giá cả đều do các nhà cung ứng độc quyền quyết định.

Cùng với đó, khoảng 30 - 50% doanh số không được xuất hóa đơn điện tử mà hạch toán vào các khoản trích thưởng (bằng các sản phẩm hàng hóa, du lịch…), hội thảo, hoa hồng…

Các hợp tác xã nông nghiệp như hợp tác xã của ông Dũng rất mong muốn có cơ chế, chính sách hỗ trợ để giảm chi phí vật tư đầu vào, đồng thời có biện pháp quản lý để chống thất thu thuế.

Về hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp thường có hai cách đầu tư vào hợp tác xã để đầu tư cho nhà vườn, cho thành viên của hợp tác xã.

Một là đầu tư bằng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với cách này, các hợp tác xã thường phải chấp nhận giá cao theo phương thức “đại lý độc quyền”.

Hai là đầu tư bằng tiền. Cách này hiện đang vướng mắc bởi quy định tại Thông tư số 15 ngày 21/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về tín dụng nội bộ hợp tác xã, theo đó, “không được huy động nguồn vốn ngoài thành viên hợp tác xã để đầu tư (tín dụng nội bộ).

Với góc nhìn của người trong cuộc, Phó Giám đốc Phạm Quốc Dũng nhấn mạnh, cần sớm có giải pháp giúp đỡ các hợp tác xã khắc phục vướng mắc về đầu tư; đồng thời cũng cần  sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp hỗ trợ để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 2 nhãn hiệu tập thể gồm: Sầu riêng Krông Pắc và Sầu riêng Cư M”Ga. Vấn đề đặt ra là cần phải có giải pháp để quản lý, phát triển nhãn hiệu; tiến đến nâng tầm thành Thương hiệu quốc gia. Về Lễ hội sầu riêng, cần nâng tầm lên lễ hội cấp tỉnh và tổ chức định kỳ 2 năm/lần, cần duy trì ban chỉ đạo, thư ký Ban chỉ đạo nên là một đơn vị (hoặc tư vấn) độc lập chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, cần có lộ trình, giải pháp đưa bộ phận kiểm dịch thực vật về vùng sầu riêng tập trung Đắk Lắk”, ông Dũng nêu một loạt khuyến nghị cụ thể.

Thục Anh và nhóm PV, BTV