Săn bắt thú rừng, động vật hoang dã quý hiếm là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào giá trị và mức độ quý hiếm của loài động vật hoang dã bị săn bắt. Tuy nhiên, năm 2023, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên bắt giữa các vụ nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép.

Ví dụ như trường hợp quán ăn Vườn Dừa, thuộc ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, các cơ quan kiểm tra đột xuất đã phát hiện cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã bao gồm nhiều cá thể quý hiếm: 7 con cu lửa, 2 con cu đất, 30 con chim bồ câu vằn, 5 cá thể hổ ngựa, 3 cá thể rắn ráo trâu là loài quý hiếm thuộc nhóm IIB. 

Hay trường hợp N.T.T (ngụ ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Biên) tự ý mang súng hơi vào rừng thuộc Tiểu khu 58 (địa bàn xã Tân Hòa) để săn bắn chim. Tang vật thu được là một cây súng hơi, bộ giảm thanh và nhiều đạn chì do đối tượng tự đặt mua trên mạng. Đối tượng tự ý vào rừng khi chưa có được sự cho phép của cơ quan kiểm lâm. 

dung-cu.png
Các loại bẫy được lực lượng kiểm lâm tỉnh Tây Ninh tháo gỡ trong rừng. 

Trước đó, tại gia đình ông H.V.N (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) cơ quan chức năng cũng phát hiện hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép thu giữ 290 cá thể chim hoang các loại.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh riêng năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 70 vụ vi phạm về luật Lâm nghiệp, lực lượng Kiểm lâm đã điều tra, xử lý 50 vụ. Để ngăn chặn tội phạm về đa sinh học, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật. Ngoài ra, tại Tây Ninh hiện có hơn 180 cơ sở gây nuôi động vật rừng với mục đích thương mại. Trong đó, ngành đã cấp 57 mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm II và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp phụ lục II và III CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).
Năm 2023, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 2873 triển khai, thực hiện Đề án: Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, địa phương đề ra mục tiêu nâng cao ý thức của các cá nhân, tổ chức xã hội, các cấp các ngành chấp hành các quy định đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ hệ sinh thái động thực vật và nguồn gen sinh vật quý. Đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác của cộng đồng phát hiện các trường hợp nuôi nhốt động vật trái phép.

Các cơ quan chức năng liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh phối hợp kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế về công tác bảo tồn và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn từ nay tới năm 2025, Tây Ninh tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng, nhất là người dân sinh sống gần khu vực vùng đệm rừng, khu vực di cư và dừng chân của chim hoang dã về bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã, nhất là các loài động vật, thực vật hoang dã nhóm IA, IIA, IB, IIB và thuộc Phụ lục I Công ước CITES. Đưa các chuyên đề bảo vệ đa dạng sinh học thành hoạt động truyền thông thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và giáo dục tại các nhà trường; nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đa dạng sinh học.

Giai đoạn từ năm 2026 -2020, cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm việc nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về đa dạng sinh học phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật. Toàn tỉnh đặ ra mục tiêu phấn đấu có 100% cán bộ làm công tác phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ đa dạng sinh học được đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu. Các đơn vị tăng cường ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kiểm định, phân tích, xử lý thông tin hiện đại phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm về đa dạng sinh học.
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV