Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về kinh tế - xã hội, giúp người dân giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng nhiều mô hình này, tạo động lực thoát nghèo cho nhiều hộ dân đồng bào DTTS.
Huyện Tân Châu đã có nhiều nỗ lực đã thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số từ việc hỗ trợ vay vốn, các chương trình giảm nghèo...
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, người dân trên địa bàn đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Theo thống kê, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 819 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 22 tỷ đồng.
Song song với việc hỗ trợ vay vốn, các xã trên địa bàn huyện Tân Châu đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, khuyến khích những mô hình kinh tế hiệu quả, tiêu biểu là dự án nuôi dê thương phẩm được triển khai ở xã Suối Dây.
Sau khi được hỗ trợ cho vay vốn 30 triệu đồng, anh Sực Ka Ri Gia (dân tộc Chăm) mua dê về nuôi. Khởi điểm từ 4 con dê nái, sau hơn 1 năm anh đã trả nợ xong và còn dư ra mấy chục con dê. Đến nay, đàn dê của gia đình anh đã trên 40 con, trong đó, có khoảng 20 dê cái sinh sản và hơn 20 vỗ béo chuẩn bị bán thịt.
Mỗi năm Sực Ka Ri Gia bán khoảng 50 con, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình anh ổn định hơn từ khi được hỗ trợ vay vốn nuôi dê.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng của một số hội viên có nhiều điểm tích cực, hội nông dân xã đã vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, từ những mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê nhốt chuồng. Ban đầu chỉ có vài hộ nuôi, nhưng hiện tại toàn xã đã có gần 40 hộ chăn nuôi dê với trên 800 con.
Để phát triển đàn, mua thêm con giống, hội nông dân xã đã hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay có lãi suất thấp, đồng thời thường xuyên tổ chức nhiều buổi trao đổi, đưa hội viên đến từng trang trại để học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng.
Người của hội nông dân cũng thường ghé thăm các hộ gia đình để tuyên truyền thông tin, hỗ trợ chuyện chăn nuôi, thuốc men dê bệnh.
Việc xã hội hoá công tác giảm nghèo tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của người dân thực hiện các chương trình giảm nghèo, bảo đảm cho người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách của chương trình MTQG đề ra.