Tốt nghiệp Đại học năm 2012, anh Hà Mạnh Luân (sinh năm 1990, quê Thái Bình) ở lại Hà Nội lập nghiệp với công việc chính là biên tập cho một công ty sách với số lương ít ỏi chỉ 5 triệu đồng/tháng. Thời gian rảnh, anh viết bài cộng tác cho một số tờ báo về văn học, nghệ thuật.
“Tiền lương quá ít khiến tôi sống khá chật vật, phải viết lách để kiếm thêm. Để khắc phục, tôi tự đặt hàng chính mình mỗi ngày ít nhất phải có 1 bài đăng báo vì vậy tiền nhuận bút nhiều khi cao hơn tiền lương”, anh Luân kể.
Thời gian rảnh, anh lại tranh thủ viết thêm truyện ngắn, tiểu thuyết để thỏa niềm đam mê văn chương với hàng loạt đầu sách được xuất bản như: Vũ điệu yêu, Khói bay về trời, Gió đời thổi mãi, Trầm tích tháng năm…
Dù lao động không có thời gian nghỉ ngơi nhưng thu nhập của anh chỉ được trên dưới 10 triệu đồng/tháng trong suốt nhiều năm liền và không được cải thiện. Chi phí sinh hoạt tại Hà Nội lại khá đắt đỏ khiến anh không thể tích lũy được bất kỳ khoản nào.
Chỉ coi là chốn tạm để nghỉ ngơi sau thời gian dài sống với ồn ào phố thị nhưng Tà Xùa lại là nơi cho anh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình - Ảnh: Hà Mạnh Luân. |
Chán với môi trường làm việc văn phòng quá ngột ngạt, anh quyết định từ bỏ công việc ở thành phố, tạm xa hết các mối quan hệ để lên núi với mục đích cho đầu óc thoải mái.
“Tôi leo lên xe máy với chưa đầy 1 triệu đồng trong túi cùng với vài bộ quần áo và vật dụng cá nhân. Vừa đi vừa định hình lại mục tiêu của mình, chấm dứt chuỗi ngày chấm công tẻ nhạt”, anh Luân nói.
Rong ruổi trên chiếc xe dream trắng chưa đầy 1 tuần, bất ngờ một người bạn của anh ở Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) liên lạc và giới thiệu công việc làm quản lý nhà nghỉ cho người quen với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
“Khi ấy tôi chưa biết Tà Xùa như thế nào, chỉ nghe nói không khí mát mẻ, quanh năm đắp chăn ngắm mây là thích nên quyết định nhận lời ngay”, anh Luân cho hay.
Thời tiết trong lành với thiên đường mây Tà Xùa thu hút ngày càng nhiều khách du lịch thích khám phá - Ảnh: Hà Mạnh Luân. |
Làm quản lý nhà nghỉ khiến anh bắt đầu cảm thấy yêu thích du lịch bởi thời tiết nơi đây rất nguyên sơ cùng với không khí trong lành, mát mẻ, có cơ hội tiếp xúc với đủ các tầng lớp khách hàng, từ sinh viên cho đến công chức hay đại gia; từ khách khu lịch trong nước đến nước ngoài.
Tuy nhiên, tại nhà nghỉ nơi anh làm khi đó không phục vụ ăn uống. Khách đến rất đông nhưng khi đến bữa phải tản đi khắp các nhà hàng, quán ăn dưới chân núi khiến anh ấp ủ dự định tự mình sẽ mở quán ăn ngay cạnh nhà nghỉ.
Vì làm tốt công việc cùng với sự nhiệt tình, cởi mở, anh được lòng của rất nhiều khách đến nghỉ tại nhà nghỉ. Anh chia sẻ, tiền “bo” mỗi tháng của anh còn cao gấp nhiều lần lương.
Mỗi tháng trung bình anh tiết kiệm được 8-10 triệu đồng. Khi có khoảng 150 triệu đồng, anh mạnh dạn vay mượn thêm bạn bè 160 triệu đồng, bắt tay vào thuê miếng đất hơn 200m2 bên cạnh nhà nghỉ để làm quán cơm, phở, lẩu nướng.
Quán ăn do anh Luân mở luôn trong tình trạng chật kín khách. |
“Tiền thuê đất 10 năm hết 120 triệu, chi phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị hết 160 triệu nhưng quán tôi thuộc dạng to nhất Tà Xùa lúc bấy giờ, có thể chứa được 70 khách ăn một lúc. Đầu bếp là một anh người dân tộc Cao Lan ở Yên Bái chuyên chế biến đồ rừng được mấy anh chủ quán ăn dưới chân núi giới thiệu”, anh Luân cho biết thêm.
Nhớ ngày đầu tiên khai trương, khách đông kinh khủng, anh Luân phải nhờ thêm người phục vụ. Kết thúc ngày, mệt rã rời nhưng cầm hơn 7 triệu tiền lãi trong tay khiến anh quên hết mệt mỏi.
Thời gian sau đó, vì có khách ổn định bên nhà nghỉ sang ăn nên anh nghỉ hẳn bên nhà nghỉ, tập trung chú trọng mở rộng thực đơn cho khách chọn, tự điều hành nhân sự và quản lý.
Mỗi tháng, quán ăn của anh cho thu nhập ít nhất là 50 triệu đồng, thậm chí có ngày cao điểm thu về cả chục triệu đồng. Nhiều khi bữa sáng tại quán ăn phục vụ đoàn quá đông, hết cả chỗ nhưng khách vẫn ngồi chờ mà không chịu đi nhà hàng khác.
Homestay đầu tiên do anh Luân làm theo dạng nhà cổ. |
Năm 2019, có tiền tích lũy được từ kinh doanh quán ăn, vay mượn thêm bạn bè, anh tiếp tục thuê 1ha đất làm homestay và khu sinh thái cao nhất Tà Xùa để khách có thể ngắm toàn cảnh, ngắm mây ngay tại nhà. Homestay của anh làm bằng gỗ pơ mu và xây dựng theo lối nhà cổ gồm các loại phòng như: phòng đôi, phòng team 8, team 20, VIP team 10, VIP team 15 với sức chứa tối đa lên đến 60 khách/đêm.
Tà Xùa được coi là một trong những thiên đường mây đẹp nhất miền Bắc với bốn bề bao bọc bởi những dãy núi cao. Đặc biệt là những dải mây trắng muốt tạo nên một biển mây đẹp ngỡ ngàng nên ngày càng nhiều đoàn khách du lịch lên ngắm cảnh, nghỉ dưỡng. Homestay của anh Luân vì thế cũng luôn chật kín khách.
Khách du lịch có thể ngắm mây ngay tại homestay. |
Để phục vụ tối đa nhu cầu của khách du lịch, khám phá, đầu năm 2020, anh Luân tiếp tục thuê thêm mảnh đất 500m2 trong 10 năm và làm Homestay thứ 2 với đa dạng các loại phòng đôi, team 6, team 8, team 10, team 12 và team 20 với giá chỉ 100.000 đồng/người.
Khu này được trang bị full bếp và nhà ăn rộng rãi. Khách du lịch có thể thuê nguyên căn, bao trọn nhà với đoàn từ 35-40 người, tự mua đồ, tự sinh hoạt, nấu nướng.
Chàng trai 9x bỏ phố lên núi lập nghiệp với hai bàn tay trắng đến nay đã có cho mình sự nghiệp nhiều người mơ. |
Nói về bản thân mình, anh Luân cho biết, để có được ngày hôm nay anh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn khi không có người thân nào bên cạnh, phải tự mình học hỏi từ những thứ nhỏ nhất.
“Tập tành làm kinh doanh mà phải đối mặt với lượng khách quá đông khiến cách quản lý của tôi chưa được khoa học. Có thời điểm chi vượt quá thu, phải lấy tiền túi của mình để trả lương nhân viên, rồi những ngày đầu bếp nghỉ ốm hay về quê đột xuất phải tự đứng bếp, trong khi hơn 30 năm trong đời chưa một lần tôi dám cắt tiết gà”, anh Luân kể.
Để làm du lịch có quy mô, phục vụ tối đa nhu cầu của khách, anh Luân "bật mí", thời gian tới anh còn dự định sẽ mở thêm quán café, hàng tiêu dùng tự chọn và triển khai combo du lịch trọn gói, đưa đón khách từ Hà Nội lên Tà Xùa và ngược lại vào dịp cuối tuần.
(Theo Dân Việt)