Đó cũng là những ngày xôn xao chờ tới Tết. Hồi ngoại tôi còn sống, bà hay đi chợ tết Đoan ngọ trước vài ngày, khi thì mang theo con gà trống tơ, lúc thì quẩy đôi gánh, một đầu là buồng chuối ướm vàng, đầu kia chừng mười ký gạo.
Sau buổi chợ, ngoại sẽ mua một ít đậu các loại, một ký đường, bột béo, mấy ống dầu chuối để nấu chè cúng mùng 5 tháng 5. Ở quê, người ta ăn Tết giữa năm trong hai ngày, mùng 4 cúng mặn, mùng 5 cúng ngọt.
Thức mặn thường là mâm cơm đầy đủ các loại, từ thịt kho đến canh rau củ hoặc bún xào, ít bánh trái gì đó cho đầy đặn. Chả giò và cả mì Quảng đặc sản quê tôi (Quảng Nam) cũng không thể thiếu. Mùi nhang quế thơm lừng góc nhà từ đầu ngày mùng 4, ngoại tôi nói, dịp này ông bà cũng về tề tựu cùng con cháu.
Tết Đoan ngọ diễn ra sau vụ mùa lúa đông xuân, hầu như nhà nào cũng đầy bồ thóc nên mọi người sắm sửa nhiều hơn.
Có những gia đình chờ tới Đoan ngọ mới cúng cơm lúa mới, xem như là dịp để “diệt sâu bọ”, cầu cho mùa màng hoa trái được đơm kết quả lành, sai chín, để ai cũng ấm no.
Thời xưa, nhà nhà làm nông, không có nghề gì khác nên hạt lúa đúng kiểu “ơn trời mưa nắng phải thì”, người ta trông chờ vào trời đất, vào thần nông hơn.
Tôi nhớ, có những vụ mùa, giữa lúc lúa trổ đòng đòng, ngoại tôi còn đem ra ruộng ít thóc lúa để cúng ông Tý - cách gọi đầy nể nang mấy bạn chuột đồng - vì sợ chúng cắn lúa. Để vụ mùa êm đẹp, bà con phải kiêng cữ, nể nang nhiều thứ như vậy.
Nhớ lại tôi còn rùng mình thấy khổ. Thời của ông bà mình quá khó khăn, nhưng tôi cảm được cái tình đầy nơi mỗi người ông, người bà, người cha, người mẹ.
Không ai vì quá nghèo mà để con cháu mình đói, ví dụ như ngoại tôi vẫn thường ăn cơm ghé sắn, ghé khoai nhưng tôi thì bát đầy cơm trắng. “Ăn đi cho mau lớn, học cho giỏi”, ngoại tôi nhắc miết cái điệp khúc ấy.
Trở lại với tết Đoan ngọ thời những năm chín mươi mấy, để có nồi chè đậu ngự hay đậu ván, nhà ai cũng chắt chiu chạy chợ ít bữa. Bán thứ này, đổi thứ kia để mùng 5 tháng 5 có món ngọt lành trước cúng, sau ăn cho đã thèm.
Hồi đó, con nít tụi tôi thích nhất là ăn chè với đá cây đập nhỏ. Vì thế, đến gần trưa mùng 5, má tôi sẽ ra chợ gần nhà, nơi duy nhất bán lẻ đá cục, gói trong mớ trấu (vỏ lúa sau khi qua máy xay gạo - NV) để giữ cho được lâu.
Trưa hè, ngày Tết giữa năm, sau khi ăn tô mì Quảng no cành hông, được ăn thêm chén chè đậu ngự có đá lạnh nữa thì thực sự “hết sảy”.
Con nít tụi tôi vẫn tin rằng, tết Đoan ngọ, giữa trưa đứng bóng ra nhìn lên mặt trời mắt sẽ sáng hơn, học hành thông minh hơn.
Niềm tin ấy theo tôi mải miết đến cả năm lớp 12, khi tôi và mấy đứa bạn thân cùng ôn thi vào đại học, đợi tết Đoan ngọ, đem mắt nhìn lên mặt trời chói chang giữa mùa ve râm ran.
Năm đó, ngoại tôi không còn. Má vẫn nấu chè đậu ngự cho cả đám ăn với đá đập mát lành. Tôi nói, “chừ mà còn ngoại chắc vui má ha”. “Ừ, còn chi hơn nữa”, má tôi nói rồi nhìn lên di ảnh ngoại, khói hương quyện mùi quế thoang thoảng.
Tết Đoan ngọ năm nay chắc ở quê má tôi cũng nấu chè đậu ngự. Và chắc má sẽ kể cho cháu mình ký ức đẹp đẽ của Tết giữa năm để thế hệ kế thừa được sống trong bầu không khí truyền thống của ông cha.
Tôi tin, ký ức đẹp sẽ luôn dưỡng nuôi lòng người thêm đầy đặn yêu thương…