Bạn từng xa quê hương? Có lẽ, ở bất cứ một người Việt nào, khi xa vùng đất nặng nợ thương yêu, đều sẽ tự ngộ ra, tình yêu của bạn dành cho vùng đất đó lớn lao tới mức nào và theo thời gian, tình yêu đó sẽ ra sao.
TIN LIÊN QUAN:

Những người xa quê đều yêu thương mảnh đất sinh ra mình và, chỉ có ở xa cách, vào những thời điểm nhạy cảm như Tết âm lịch, mới hiểu thấm cái sự ly quê. Chúng tôi, những người ở Đức đã nhận ra mình - tha nhân - đã yêu tới vô cùng đất nước, quê hương, gia đình - cội gốc của mình...

Tiếng khóc đêm giao thừa trong tuyết lạnh

Năm 1988, chúng tôi ăn Tết ở Đức lần đầu tiên. Là đội trưởng đội lao động,  có biết bao công việc, sự bận bịu, cuốn hút tôi tới tận hết đêm liên hoan đón Tết âm lịch, nên chả còn thời gian đâu để buồn. Một giờ đêm, xong tiệc và liên hoan cùng nhà máy, ai nấy trở về phòng ngủ của mình. Tôi mở cửa sổ cho hơi tuyết lùa chút ít vào phòng thì nghe tiếng khóc của ai đó cứ dấm dứt vọng tới. Đêm ở Châu Âu rất yên tĩnh. Có lẽ tiếng khóc của ai đó trong đội, tôi đoán. Là người lính cũ, tôi đã định vị ra ngay nơi có tiếng khóc. Hóa ra, ở tận lầu tư, nơi ban công hành lang, một cháu gái đang ngồi nhìn ra ngoài trời, khóc, mặc cho gió lạnh cứ cào vào người, tuyết tha hồ từ trời ném vào mái tóc và rơi đọng cả trên vai.

Năm ấy, trong đội tôi phụ trách, hầu hết anh chị em thợ khách còn ở tuổi 18. Tôi yên lặng ngồi xuống bên cháu gái đó, chờ cho cô gái khóc thêm một lát, rồi mới nhẹ nhàng khuyên cháu, nên đi nghỉ để mai còn đi làm ca sớm (1). Cô còn khóc một lát nữa rồi mới nói lí do cô khóc. Hóa ra, cô thấy nhớ nhà quá. Cô tâm sự: “Cháu không ngủ được vì cứ nằm xuống nhắm mắt lại là thấy mẹ và gia đình...”

Dỗ mãi cô gái mới vào phòng và tôi không ngờ tất cả các phòng đều không ngủ ở cái đêm giao thừa năm ấy. Hầu hết họ đều mở cửa  sổ, làm một bàn thờ và thắp hương rồi quay về Phương Đông, nơi có Việt Nam...

Những cái Tết như thế ở xứ người, dù xa nhà, vẫn có anh có em. Nhưng đến khi bức tường Berlin sụp đổ, toàn thể các đội lao động xuất khẩu đều giải tán và mỗi người Việt tan đi trên khắp nẻo đường của nước Đức, như cát bụi hòa vào các đường phố. Chúng tôi bán hàng kiếm sống, đếm lại đã  đối chọi 20 năm với cái xứ mùa đông tuyết lạnh, có năm tới âm hai mươi độ. Cô gái năm xưa bây giờ đã 40, lấy chồng, là mẹ của hai con và chẳng còn khóc khi xuân về nữa, song chưa khi nào Tết về mà gia đình cô thiếu một ban thờ trong đêm giao thừa với mâm ngũ quả và bánh chưng để vọng về tổ tiên, quay mặt về phương Đông...

Tết ở xứ người ngày nay


Nhớ lại, thuở chưa có máy bay VietNam Airline, chúng tôi mua lá dong tận Pháp, về chuyền tay nhau gói bánh chưng, để cái lá luộc đi luộc lại chỉ còn trơ gân lá, tan hết cả màu diệp lục. Chúng tôi nhớ quá hoa đào ngày Tết, đã ấp ủ nó với nước ấm cả hai ba tuần trong mùa Đông xứ lạ, như tình chúng tôi với quê nhà, để đến ngày Tết, cành đào cho ra những đóa hoa thắm thủy chung...

Bây giờ thì người Việt đã lớn mạnh, qua cái đận buôn bán nhỏ lẻ, đẻ ra các trung tâm hàng vài chục héc-ta bán buôn ê hề các loại hàng hóa Tết như chợ Đồng Xuân ở Thủ đô. Và những con người xa xứ nếu không về ăn Tết, phải ở lại xứ người vì bao lí do, thì không lo cái phong vị Tết quê nhà ở lĩnh vực vật chất. Nhưng người ta đâu chỉ ăn Tết với bánh chưng và hoa đào, còn cái không khí Tết, cái hồn Tết thì đâu có được? Cái hồn Tết ấy ở tiếng trẻ nô đùa khi mặc áo mới; ở tiếng sôi lục bục và hương thơm nồng từ nồi bánh mà có tiếng rít thuốc lào ròn tan; trong tiếng xôn xao của đám trẻ đang bữa yêu nhau quây quầy bên nồi bánh; ở lễ hội làng,; quanh các con đường chộn rộn trong 36 phố phường ngày giáp Tết. Đâu có thể mua được nó, dù ông đại gia hay bà tỉ phú đã có cơ nghiệp giầu có tới cả nửa tỉ euro... Vậy phải bay về với Tết thôi, để ăn Tết cho nó đầy đủ nhất một cái Tết quê nhà... Đã có một thời, cứ Tết tới là các chuyến bay về Việt Nam rất khó đặt chỗ, kể cả anh trả thêm 1 cái vé thêm vài trăm USD.

Từ khi thế hệ thứ hai đến tuổi đi học, chúng tôi cũng không thể cả nhà dắt díu nhau về với Tết quê hương. Thời điểm Tết Việt Nam lại là lúc các trường, sở ở Đức vừa qua lúc nghỉ Đông, bắt đầu học kì mới  nên trẻ em Việt không thể bỏ học mà về. Vậy là vợ chồng con cái lại chia ra và cái văn hóa đoàn tụ gia đình buộc nhiều nhà phải ở lại ăn Tết ở Đức. Tình huống ấy giờ đây được bù đắp khi nhiều hội đoàn người Việt đã lớn mạnh và đám người xa xứ chúng tôi có một ngày long trọng tụ họp ở các trung tâm buôn bán hàng ngàn người như cái Hội xuân, hội làng ngày Tết giống ở Việt Nam.

Lặn vào trong

Bây giờ ít ai ở thế hệ ra đi ngày ấy ôm gối vào lòng ngồi khóc dấm dứt như cô gái 18 tuổi hôm nào khóc giữa đêm giao thừa vì nhớ thương cha mẹ. Trở thành người mẹ ít ra hơn 40 tuổi đầu, lứa già hơn có kẻ có cháu nội cháu ngoại, nếu ăn Tết xứ người thì nỗi nhớ Tết, nhớ nhà, nhớ anh em tộc ngoại, đã lặn vào cả bên trong. Chúng tôi ngày ấy giờ mái đầu khối kẻ chớm bạc hay bạc trắng... Chúng tôi tổ chức gói bánh chưng, luộc bánh và bầy mâm ngũ quả đầy đủ nhờ máy bay Việt Nam chở tận Đức, để nói với các con, những đứa trẻ rằng, cha mẹ chúng sinh ra ở đâu, tổ tiên mình làm cái Tết với ý nghĩa ra sao, để chúng, đám trẻ kia dù có biết ơn nước Đức, đã hấp thu một nền văn hóa tiến bộ, vẫn biết và hiểu được một phong tục gốc - Việt tính - ở thẳm sâu dòng máu mẹ cha.

Nước mắt cá nhân bây giờ là sự chuyển thay thành sức mạnh để cho những tối vui cộng đồng, mà ở Đông Đức, nơi có nhiều thợ khách quần tụ với mật độ dầy đặc, là nơi có khả năng quần tụ đồng bào chu đáo và đông nhất, ví như Leipzig hay Berlin và Chemnitz có buổi lên tới cả hai ngàn người. Nước mắt bây giờ là những bài ca của bầy trẻ sinh ra lớn lên ở Đức, xinh đẹp như thiên thần, đan tay nhau hát rất sõi tiếng cha sinh mẹ đẻ những bài ca Việt. Ơ! Ca từ chỉ dung dị với điệp khúc: Tết tết đã đến rồi... chỉ thế thôi mà làm các bậc sinh thành ra chúng, giờ mái đầu chẳng còn xanh, hai mươi năm bươn trải kiếm sống, chuyển bạc sang màu  tuyết, nghẹn ngào đưa tay quệt nước mắt.

Sự thương yêu của con người ta chỉ khi xa cách nhau mới rõ tường hết tấm lòng tới mức nào. Những đứa con lưu lạc ở tứ xứ, mẹ đã thương lắm và mỗi lần chúng con về, mẹ vẫn sẵn cửa chờ con. Song chúng con dù có kẻ chưa trở về Tết này cũng để tấm lòng bay về, lại còn hiểu trách nhiệm với cháu chắt của mẹ làm nhiều cái Tết ngày một thật tết hơn ở xứ người trong sự lớn lên mọi mặt của chúng con.

Mẹ ơi, giờ đây bầy con xa xứ của mẹ đều đã lớn lên rồi. Không còn nước mắt tủi thân đêm nảo đêm nao cách đây hai mươi năm.  Những giọt nước mắt của hôm nay giữa những ngày xuân dầu có trở về hay ở xứ người là những hạt nước mắt đọng lại của một sự thay đổi, trưởng thành... và thật sự khi đã trưởng thành hay lớn lên thì nỗi buồn hay niềm vui đã đọng lại cả vào bên trong tâm khảm của mỗi con người còn xa xứ.

Tạp bút của nhà văn Nguyễn Văn Thọ/Thể Thao Văn Hóa