Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Các dự án đầu tư nước ngoài hướng đến những ngành có công nghệ cao, điển hình là các dự án sản xuất thiết bị điện tử của Samsung, LG ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng... Việt Nam đã ghi dấu trên bản đồ công nghệ thế giới với những sản phẩm điện tử “made in Vietnam”, trở thành một trong những cứ điểm sản xuất hàng điện tử lớn trên thế giới. Một dòng vốn lớn tiếp tục đổ về, biến Việt Nam thực sự trở thành “công xưởng” hàng công nghệ của thế giới.

{keywords}
Thách thức cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, Việt Nam vẫn chỉ đón nhận các dự án ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là lắp ráp, tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ. Những khâu đòi hỏi giá trị gia tăng cao hơn Việt Nam vẫn chưa làm được.

Mức độ lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước vẫn còn khiêm tốn, doanh nghiệp nội vẫn chật vật để chen chân vào làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp FDI. Khi đến Việt Nam, các doanh nghiệp FDI thường mang theo các vệ tinh của mình, trong khi đó doanh nghiệp “nội” còn nhỏ bé về quy mô và năng lực cạnh tranh nên phải chấp nhận thua thiệt đủ đường.

{keywords}
Thách thức cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới

Đó là điều phải khắc phục trong giai đoạn thu hút FDI tới đây, với sự xuất hiện của một làn sóng FDI mới. Nếu không, Việt Nam cũng chỉ là bãi đỗ tạm thời của những “đại bàng”, thiếu đi động lực phát triển ổn định bền vững về sau.

Từ cuối năm 2018, do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nhà đầu tư có giao dịch thương mại lớn với Hoa Kỳ đã có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế trừng phạt quá cao. Các nước ASEAN thường được xem là lựa chọn bổ sung cho các nhà máy tại Trung Quốc (Trung Quốc +1). Khi đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 ảnh hưởng nghiêm trọng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia càng nhận thức rõ những rủi ro to lớn khi phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung duy nhất.

Không chỉ các tập đoàn mà cả chính phủ các nước cũng đã vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp của nước mình đang có nhà máy tại Trung Quốc dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất kinh doanh của họ về nước hoặc sang nước thứ ba. Cụ thể, chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế 992 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước, và khuyến khích đưa hoạt động sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trở về Nhật và chuyển hoạt động sản xuất những mặt hàng khác sang ASEAN. Tương tự, Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ cũng cho biết chính phủ đang xem xét một chương trình hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp Mỹ nếu họ di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc; Uỷ viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.

Ngoài các yếu tố khách quan nêu trên, với việc hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) sắp có hiệu lực, ngày càng có nhiều nhà đầu tư EU, đặc biệt là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo từ Đức, Pháp, Hà Lan… quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam. Rõ ràng là Việt Nam đang đứng trước những cơ hội ngàn năm có một để có thể thu hút đầu tư, tăng cường nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua cách tiếp cận đúng đắn có tầm nhìn chiến lược dài hạn đối với chính sách thu hút FDI và chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước.

Để gia tăng tham gia vào các chuỗi cung ứng, điều quan trọng là cần tiếp tục cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền Trung ương lẫn địa phương để Việt Nam thu hút được các dòng vốn FDI chất lượng cao, công nghệ cao. Bởi lẽ, dòng vốn FDI chất lượng rất quan tâm đến môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành của chính quyền Trung ương và địa phương. Đây là những yếu tố hàng đầu để nhà đầu tư tìm đến và giữ chân các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

 Khánh Vy