- Vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ được tiêm trở lại cho trẻ từ tháng 10. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều, chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết thách thức lớn nhất tại thời điểm này là làm sao lấy lại được lòng tin của người dân và cán bộ y tế đối với công tác tiêm chủng.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia về sự kiện vắc xin Quinvaxem trở lại sau 5 tháng bị tạm ngưng.

2 thay đổi

{keywords}
Ông Nguyễn Trần Hiển

Tháng 10 sẽ tiêm vắc xin Quinvaxem trở lại cho trẻ sau 5 tháng gián đoạn, ông có thể cho biết kế hoạch cụ thể của việc này?

Theo kế hoạch, dự kiến tháng 10 tới sẽ triển khai tiêm trở lại vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do Hib ở tất cả các tỉnh thành phố sau 5 tháng tạm ngưng.

Lịch tiêm chủng sẽ không thay đổi. Theo lịch tiêm chủng chuẩn, việc tiêm 3 mũi Quinvaxem được thực hiện khi trẻ được 2,3,4 tháng tuổi.

Do việc vắc xin tạm dừng từ tháng 5 đến nay, nếu cháu nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm tiếp chứ không phải tiêm lại từ mũi đầu. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần.

Có 2 thay đổi nhỏ về quy trình tiêm chủng là mỗi buổi tiêm không được tiêm quá 50 trẻ, và tăng cường công tác khám sàng lọc cho trẻ, tư vấn cho các bà mẹ.

Bộ Y tế đã chuẩn bị những gì cho sự trở lại của vắc xin Quinvaxem? Trong thời gian qua, chất lượng dịch vụ tiêm chủng đã bị ảnh hưởng vì nhiều nơi thực hiện không đúng quy định. Bộ Y tế sẽ làm thế nào để cải thiện điều này?

Tăng cường sự giám sát của gia đình

Trong đợt tiêm chủng trở lại đối với vắc xin Quinvaxem tới đây, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường sự giám sát của gia đình.

Cụ thể: Cán bộ y tế phải tư vấn đầy đủ cho gia đình, chỉ tiêm chủng khi đã giải thích đầy đủ cho gia đình. Bà mẹ khi đưa con đi tiêm cần cho biết các tiền sử sức khỏe của trẻ, đọc áp phích “Qui định tiêm chủng” dán tại các điểm tiêm. Đối chiếu từng điểm trong qui định với việc thực hành tiêm chủng của cán bộ y tế. Chỉ cho con em mình được tiêm khi thấy cán bộ y tế thực hiện đúng qui định tiêm chủng.

Khi có dấu hiệu phản ứng toàn thân hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng thì gia đình phải đưa ngay người được tiêm đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị đến khi ổn định.

Để chuẩn bị cho việc sử dụng lại văc xin Quinvaxem theo phê duyệt của Chính phủ, ngày 21/8/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành quyết định về Tăng cường công tác an toàn tiêm chủng nhằm  đảm bảo  an toàn  và chất lượng tiêm chủng.

Theo đó, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng trên cả nước. Chỉ các cơ sở y tế được Sở Y tế thanh tra, kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện tiêm chủng mới được tổ chức tiêm.

Sở Y tế cử cán bộ chuyên môn đã được tập huấn về khám sàng lọc, sơ cấp cứu khi có tai biến tham gia buổi tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn.

Về chất lượng vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý đã yêu cầu tất cả các vắc xin Quinvaxem đã bảo quản trong thời gian tạm ngưng sử dụng vừa qua phải được kiểm định trước khi đưa ra sử dụng, kịp thời tiêu hủy với các lô bảo quản không đúng quy định ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin.

Ngoài số vắc xin còn lại đã được tái kiểm định (0,6 triệu liều), Việt Nam mới nhập thêm 1,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem và đã kiểm định được 1,4 triệu liều trong số này. Số này dự kiến sẽ đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 2 triệu liều trên cả nước sau thời gian tồn đọng.

Thách thức lớn nhất là lấy lại được lòng tin

Vắc xin Quinvaxem đã bị tạm ngừng trong 5 tháng. Trong quãng thời gian đó cũng có nhiều sự cố khác liên quan đến các loại vắc xin khác xảy ra khiến người dân cũng như cán bộ y tế lo lắng. Ông đánh giá thế nào về thách thức mà chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ gặp phải khi đưa vắc xin Quinvaxem trở lại?

Thách thức lớn nhất là làm sao lấy lại được lòng tin của người dân và cán bộ y tế về công tác tiêm chủng, trong đó, khó khăn lớn nhất là làm sao giải thích cho người dân hiểu và tin tưởng rằng những trường hợp tai biến sau tiêm chủng vừa qua là do các nguyên nhân khác chứ không phải do chất lượng vắc xin.

{keywords}

Tháng 10 tới sẽ tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem trên toàn quốc. (Ảnh minh họa: C.Q)

Lý do của việc gián đoạn tiêm vắc xin Quinvaxem trong thời gian vừa qua là để khẳng định việc một số ca tai biến nặng và tử vong sau khi tiêm vắc xin này không phải là do vắc xin. Các tổ chức y tế Quốc tế cũng đã khẳng định độ an toàn của vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam.

Để đảm bảo có thể hạn chế thấp nhất những sự cố đáng tiếc, ngành y tế đang rất cố gắng chuẩn bị kỹ lưỡng tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, từ củng cố hệ thống dây chuyền lạnh đến tập huấn về an toàn tiêm chủng cho ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiêm chủng và tập huấn về đánh giá nguyên nhân tai biến cho Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin của các tỉnh/thành phố.

Những hoạt động này nhằm nâng cao khả năng thu thập thông tin, bằng chứng, phân tích nguyên nhân tai biến trong thời gian nhanh nhất để công bố thông tin rõ ràng, minh bạch cho người dân nhằm củng cố lòng tin và đưa con em đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.

Xin cảm ơn ông!

40% tử vong không xác định được nguyên nhân

Bộ Y tế cho biết qua đánh giá của các chuyên gia hàng đầu của WHO đối với tất cả các trường hợp phản ứng nặng, tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, từ năm 2010 đến nay cho thấy trong số 43 trường hợp nặng có 27 trường hợp tử vong đều không liên quan đến tiêm chủng.

Có 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến vắc-xin Quinvaxem nhưng đều hồi phục. Các trường hợp còn lại được xác định không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc-xin.

Từ đầu năm 2013 trở lại đây có 5 trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, theo đánh giá của nhóm chuyên gia đều không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc-xin.

Ông Hiển cho biết có những trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem nhưng không xác định được nguyên nhân chính xác vì không có đầy đủ thông tin (chiếm 40%).

Kinh nghiệm ở một số nước như Srilanka cho thấy sau khi cho tiêm trở lại, các sự cố nặng và tử vong sau tiêm Quinvaxem có thể vẫn xảy ra thường là do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ, chứ không phải do vắc xin.

Cẩm Quyên (thực hiện)