Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), việc tiếp cận những tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng gặp nhiều khó khăn do thường tọa lạc ở những khu đô thị lớn, tập trung đông người, mật độ giao thông cao. Bên cạnh đó, ban quản lý các tòa nhà thường tận dụng không gian, đường sá làm bãi đỗ xe khiến xe thang, xe chữa cháy khó tiếp cận hiện trường sớm nhất.

Đặc biệt đối với những tòa nhà siêu cao tầng, công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ từ tầng 30 trở lên của lực lượng PCCC&CNCH bị hạn chế, mất nhiều thời gian do không có đủ các phương tiện cơ giới để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ ở độ cao này.

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH mới chỉ được trang bị xe thang loại cao nhất là 52m. Loại xe này chỉ có thể triển khai tối đa tới tầng 17, lăng phun nước chỉ có thể chữa cháy tới tầng 20 là tối đa. Do đó, công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khu vực từ tầng 21 trở lên là một thách thức lớn đối với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.

W-z4743553998059-1dee04a1fb7066f0fde2536f94d09304-1.jpg
Những tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng đặt ra nhiều thách thức cho công tác PCCC&CNCH

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng cho biết, công tác trinh sát đám cháy trong các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng cũng gặp nhiều khó khăn do các cán bộ, chiến sĩ tham gia xử lý đám cháy chưa được trang bị đổ bảo hộ cá nhân có thể chịu được nhiệt độ cao trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, nhiều tòa nhà không trang bị hệ thống chữa cháy chuyên biệt dành cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, do đó, khi xảy ra cháy, lực lượng cứu hỏa phải phụ thuộc vào hệ thống chữa cháy trong nhà.

Trước thực trạng này, để nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH, theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, khi các chủ đầu tư thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với công trình nhà cao tầng hoặc siêu cao tầng, cần thiết kế hệ thống đường ống khô tách biệt với hệ thống chữa cháy trong nhà để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có thể sử dụng khi xảy ra cháy, nổ, đặc biệt là ở những tầng cao.

Cùng với đó, cần thiết kế, lắp đặt thang máy chữa cháy riêng biệt, tách riêng với thang dân dụng để lực lượng chữa cháy có thể nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận khu vực xảy ra cháy.

Bên cạnh đó, đối với những tòa nhà siêu cao tầng, cần thiết kế bãi đỗ máy bay trực thăng để đảm bảo công tác cứu nạn được thực hiện thuận lợi, an toàn.

Ngoài ra, các cán bộ chiến sĩ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cần phải thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ thực tiễn, đặc biệt là trong xử lý các đám cháy tại những khu vực cao tầng, siêu cao tầng. Kết hợp với việc nâng cao thể lực cho các cán bộ chiến sĩ để có thể đảm bảo công tác chữa cháy trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng cho rằng, cần có thêm các chính sách đầu tư, trang bị các thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong công tác chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ khi tham gia chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng cho các cán bộ chiến sĩ, đơn cử như trang phục chữa cháy chịu nhiệt độ cao, thiết bị bay chữa cháy không người lái có trần bay 500 có thể mang theo đồ chữa cháy…